Đề nghị mở rộng đối tượng chi cho an sinh xã hội
- Nói về hoạt động an sinh xã hội những năm tới, ông Hồng cho hay, từ nay đến năm 2015, Tập đoàn Dầu khí cam kết trích từ các nguồn chi hỗ trợ từ 400 - 500 tỷ đồng/năm. Trước mắt, năm 2013, Tập đoàn đã phê duyệt kinh phí chương trình an sinh xã hội 500 tỷ đồng.
Đề cập đến vướng mắc về hoạt động an sinh xã hội, ông Hồng cho biết, hiện Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ cho phép 4 nhóm chương trình được lấy từ lợi nhuận trước thuế. Thứ nhất, xây dựng nhà ở. Thứ hai, giáo dục đào tạo. Thứ ba, y tế. Thứ tư, là thiên tai, bão lụt. Còn lại doanh nghiệp đầu tư cho các chương tình khác, như: Đền ơn, đáp nghĩa, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây cầu cho học sinh đi học, đường đến các bản làng, trường học, khi quyết toán đều bị các cơ quan chức năng loại ra khỏi mục tiêu cho an sinh xã hội.
Ông Hồng nhấn mạnh: Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng: Làm cầu cho học sinh đi, hay làm đường vào các bản làng, trường học... đòi hỏi nguồn lực lớn. Đây cũng là thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Đợi Nhà nước đầu tư, thì không biết đến bao giờ mới cấp đủ vốn để làm. Nếu có chính sách hợp lý, sẽ huy động được nguồn lực của doanh nghiệp. Vì vậy đề nghị Đảng, Nhà nước cho phép đưa thành chính sách, cho doanh nghiệp lấy từ lợi nhuận trước thuế (doanh nghiệp chịu 75%, còn 25 % Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn).
“Nếu nhà nước có chính sách mở rộng cho hoạt động an sinh xã hội, thì chương trình xóa đói giảm nghèo sẽ thực hiện được nhanh và bền vững hơn. Vấn đề này các doanh nghiệp đề nghị nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Một lần nữa, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng đề nghị với Đảng và Nhà nước giải quyết dưt điểm vấn đề này, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư mạnh hơn việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn”- Ông Lê Minh Hồng đề nghị.
PV (lược ghi)