Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, trong gần 15 năm qua đã đóng vai trò quan trọng tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử hiện cho thấy Luật đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung, cụ thể như: Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử (chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử; Quy định về GDĐT của cơ quan nhà nước; Quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong GDĐT; Quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm… Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 là thực sự cần thiết.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu đặt ra là xây dựng Luật GDĐT theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Đồng thời với việc quy định cụ thể các cơ chế pháp lý và phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 như sau:
Bổ sung quy định về hành vi bị cấm liên quan tới: định danh điện tử và xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy, giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với nhau, giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sửa đổi Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.
Bổ sung hình thức mới của thông điệp dữ liệu: văn bản điện tử,... Bổ sung quy định về thông điệp dữ liệu an toàn. Sửa đổi quy định về địa điểm gửi, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu để tránh hiểu sai gửi, nhận thông điệp dữ liệu phải ở nơi cư trú hoặc trụ sở.
Bổ sung quy định về chuyển đổi tài liệu giấy sang tài liệu điện tử: phương thức chuyển đổi, điều kiện đáp ứng của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi, giá trị của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi từ tài liệu giấy. Bổ sung quy định về chữ ký điện tử an toàn.
Bổ sung quy định về định danh điện tử, xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy.