Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng
Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau nhiều năm phải nhập khẩu, từ năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu xi măng và clinker. Đến nay sau 4 năm gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu, ngành xi măng đã xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng đứng đầu các nước Đông Nam Á. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt mức 912 triệu USD tăng gần gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia xuất khẩu xi măng.
Xuất khẩu xi măng cần có một chiến lược mang tính dài hạn
Ông Trần Thanh Hải- Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, con số xuất khẩu này cho thấy sự nỗ lực cũng như cố gắng của các DN xi măng trong việc tiếp cận thị trường thế giới, tham gia hội nhập quốc tế theo xu hướng chung, đưa hoạt động xuất khẩu dần trở thành một kênh tiêu thụ quan trọng của ngành xi măng Việt Nam.
Theo ông Hải, các thị trường tiềm năng xuất khẩu xi măng Việt Nam tập trung chủ yếu vào thị trường Bangladesh với gần 8,4 triệu tấn xi măng clinker, đạt 322,7 triệu USD (chiếm 35,36% tổng giá trị xuất khẩu). Tiếp đến là Indonesia với 2,6 triệu tấn, trị giá 123 triệu USD (chiếm 13,4%)…
Mặc dù tăng trưởng tốt, nhưng xuất khẩu xi măng của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, DN xuất khẩu xi măng còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp, cho nên việc khai thác tận gốc thị trường xuất khẩu chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian.
Mặt khác, việc vận chuyển xi măng xuất khẩu còn khó khăn do chúng ta chưa có cảng nước sâu chuyên dụng để xuất trực tiếp xi măng mà vẫn phải trung chuyển từ tàu bé ra tàu lớn ngoài khơi.
Quan trọng hơn, theo ông Tới, ngay cả trong quản lý nhà nước nhiều lúc cũng chỉ xem việc xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế, cho nên ngành xi măng phát triển thiếu bền vững cũng như không có hiệu quả lâu dài.
Tập trung hướng tới xuất khẩu bền vững
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: "Quan điểm của tôi là ủng hộ xuất khẩu xi măng vì tiềm năng trong nước còn rất lớn. Cần tính toán xuất khẩu là bài toán cả lâu dài và trước mắt”
Ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng - Tổng công ty CP Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng khẳng định, mặc dù tiêu thụ trong nước năm 2015 vẫn tăng nhưng Việt Nam việc xuất khẩu sẽ giúp cân bằng cung cầu.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, trong khi xuất khẩu có thể giúp DN tiêu thụ nhanh một lượng lớn sản phẩm, thì khách hàng trong nước vẫn rất quan trọng. Vì thế, cần xác định tỷ lệ sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cũng nhấn mạnh sự liên kết giữa các DN là không thể thiếu, ông Hải lưu ý, các DN cũng cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định, và có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu xi măng trở thành một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực và có tính bền vững thì nhu cầu cấp thiết đặt ra là các DN sản xuất, xuất khẩu xi măng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng, Hiệp hội DN cần phối hợp chặt chẽ nhằm xác định một chiến lược phát triển xuất khẩu dài hạn và bài bản, tiến tới hợp tác tạo sự đồng thuận giữa các nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu để tăng cường chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ trong thời gian tới.