Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 3 Điều 8 Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg đã quy định đối với một số trang thiết bị và phương tiện làm việc có tính đặc thù riêng của các cơ quan (nếu có), các cơ quan ban hành quy định hướng dẫn cụ thể sau khi thống nhất của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, do chưa có quy định khái niệm máy móc, thiết bị làm việc đặc thù nên thực tế một số cơ quan cần phải trang bị để phục vụ công tác có đề nghị thỏa thuận tiêu chuẩn, định mức (đối với máy soi kiểm thể, máy soi hàng hóa, hệ thống máy soi Container … của ngành Hải quan; máy đo nhanh thủy phần các loại, máy hút khí, máy đo nồng độ khí CO2, N2, O2… của hệ thống Dự trữ nhà nước); ngoài ra, cơ quan ngành Y tế các máy móc siêu âm, máy soi ... chưa thực hiện thỏa thuận tiêu chuẩn, định mức vẫn trang bị. Hoặc có trường hợp đề nghị thỏa thuận thì cơ sở pháp lý hiện hành chưa quy định (ví dụ: Thỏa thuận ca nô, tầu cao tốc của Hệ thống Hải quan (phương tiện vận tải đường thủy).
Do đó, để kiểm soát chặt chẽ việc trang bị, quản lý và sử dụng trong thời gian tới, tại dự thảo, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án sau:
Phương án 1: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan thuộc địa phương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.”
Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án này đảm bảo việc thỏa thuận, trang bị máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù tại các cơ quan nhà nước chặt chẽ, hạn chế được tình trạng lợi dụng việc mua trang bị máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù để phục vụ công tác của cơ quan. Tuy nhiên, tài sản đặc thù của các Bộ, ngành và địa phương là rất đa dạng, nên việc thực hiện theo phương án này là khó.
Máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù là các máy móc, thiết bị chuyên ngành, có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù của cơ quan nhà nước (ví dụ: máy soi hàng hóa, container của hệ thống Hải quan, máy đo nồng độ khí CO2, N2... của hệ thống Dự trữ nhà nước).
Phương án 2: “Đối với máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù có nguyên giá từ 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản trở lên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan thuộc địa phương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Đối với máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan thuộc phạm vi quản lý.”
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện theo phương án này đảm bảo việc trang bị trang bị máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù vừa đảm bảo theo đúng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, nhiệm vụ đặc thù của từng cơ quan; các Bộ, ngành, địa phương, không phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính (hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp) sẽ giảm bớt được thủ tục hành chính, tạo chủ động cho các Bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, phương án này cũng dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng việc mua trang bị máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù trong trường hợp máy móc, trang thiết bị làm việc đặc thù được trang bị có chủng loại giống với máy móc, trang thiết bị làm việc phổ biến (như trường hợp trang máy tính xách cho các ngành Thanh tra, Kiểm toán nhà nước để phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của ngành …).
Để phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương án 2 và bổ sung một số nội dung phù hợp.