Đề xuất lắp thiết bị giám sát hành trình vào xe máy: Hãy cân nhắc thật kỹ!
Tại Điều 33, Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã bổ sung thêm quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Cụ thể, xe cơ giới gồm ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông thông minh.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến giữa tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành (Ảnh minh họa) |
Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ phân tích: Cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác, nhằm mục đích điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và phòng chống tội phạm.
Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang trong quá trình xem xét, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, Nhân dân…, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây là đề xuất không dễ thực hiện.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến giữa tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Như vậy, nếu dự Luật được thông qua thì hàng chục triệu xe máy cũng phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Mai Văn Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm: “Tôi cho rằng điều này rất là khó, vì người dân người có điều kiện, người không có điều kiện, quy định mặt bằng chung buộc phải lắp camera giám sát hành trình sẽ tạo thêm một phần chi phí cho bà con nhân dân. Quan điểm của tôi là cần cân nhắc thật kỹ về vấn đề này”.
Một người dân sống trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho biết: “Tôi cho rằng việc đề xuất lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe máy là không khả thi, bởi lẽ số lượng xe máy quá lớn sẽ khó trong việc quản lý giám sát của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa cuộc sống còn nhiều khó khăn, gom góp mãi mới mua được xe máy, giờ bắt họ phải “cõng” thêm khoản chi phí nữa thì nên xem xét lại”.
Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng cho rằng quy định bắt buộc tất cả các phương tiện xe cơ giới và xe máy lắp thiết bị giám sát hành trình là chưa phù hợp |
Còn Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư TP. Hà Nội phân tích: Ở nước ta việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông là vô cùng quan trọng và bức thiết. Bởi hệ thống giao thông mà phát triển sẽ là tiền đề tạo đà phát triển cho cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống của người dân được nâng cao. Từ trước đến nay, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông, trong đó có những quy định sau khi được ban hành đã lập tức phát huy hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế và nhận được sự đồng thuận cao của người dân và xã hội.
Tuy nhiên, cũng có các quy định pháp luật trong lĩnh vực này sau khi đc ban hành thì không thể triển khai vì thiếu tính thực tế, không phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và đặc biệt là không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân".
Cũng theo Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, nhìn rộng ra trên thế giới rất nhiều nước phát triển thậm chí nền kinh tế của đất nước họ phát triển hơn đất nước ta cả trăm năm nhưng vẫn chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình như vậy. Bởi cũng có thể họ cho rằng không khả thi và ko cần thiết... Ngoài ra, thu nhập bình quân của người dân còn thấp, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn việc mua được xe máy đi đã là một điều khó khăn chứ chưa nói đến mua camera hành trình về lắp.
Còn nhớ, năm 2008, Bộ Tư pháp cũng đã “tuýt còi” Quyết định 33 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và Quyết định 34/2008 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển môtô, xe ba bánh.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải do liên bộ ban hành nên việc Bộ Y tế tự ý ban hành là không đúng thẩm quyền. Hơn nữa, việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn (83 tiêu chuẩn), đặc biệt có những tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, vòng ngực và một số tiêu chuẩn khác không phù hợp với thực tế đã làm hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện tham gia giao thông; tạo sự phân biệt đối xử không cần thiết với một số công dân.
Do đó, quy định trên cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi ban hành! Đừng để khi đã ban hành, lại bị "tuýt còi"!