Đề xuất tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường vận chuyển đường hàng không
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Công ước Montreal năm 1999 về Thống nhất Một số quy tắc Vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 26/11/2018. Công ước quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại gây ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa bao gồm cả nguyên nhân do vận chuyển chậm. Mức bồi thường này tính theo đơn vị tính toán đặc biệt (SDR) được xác định bởi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngày 28/6/2019, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã có thư số LE 3/38.1-19/50 gửi các quốc gia thành viên Công ước Montreal về xin ý kiến các mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển (dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/12/2019). Theo đó, Điều 21 (trường hợp hành khách bị chết hoặc bị thương) mức giới hạn cũ 100.000 SDRs, mức giới hạn theo đề nghị mới là 128.821 SDRs; khoản 1 Điều 22 (trường hợp chậm trễ đối với vận chuyển hành khách), mức giới hạn cũ là 4.150 SDRs, mức giới hạn theo đề nghị mới là 5.346 SDRs; khoản 2 Điều 22 (trường hợp hành lý bị phá hủy, mất mát, hư hỏng hoặc chậm trễ), mức giới hạn cũ là 1.000 SDRs, mức giới hạn theo đề nghị mới là 1.288 SDRs; khoản 3 Điều 22 (trường hợp hàng hóa bị phá hủy, mất mất, hư hỏng hoặc chậm trễ), mức giới hạn cũ là 17 SDRs, mức giới hạn theo đề nghị mới là 22 SDRs.
Khoản 1 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển bằng đường hàng không bằng với mức của Công ước Montreal 1999 áp dụng cho vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa. Nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước Montreal 1999, cũng như tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của người vận chuyển, cần thiết phải xây dựng văn bản về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói trên.
Khoản 6 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng đã giao thẩm quyền cho Chính phủ về việc tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại phù hợp với tình hình thực tiễn.
Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định về tăng mức giới hạn bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không là cần thiết, đồng thời thống nhất mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vận chuyển quốc tế và quốc nội.
Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Nghị định về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không. Trong đó đề xuất tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không quy định tại khoản 1 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29/6/2006 như sau:
Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hàng hóa, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kg hàng hóa.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định trên được thi hành từ ngày 28/12/2019.