Bộ Y tế cho biết, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thi chứng nhận năng lực chuyên môn làm cơ sở đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng chuyên môn của người hành nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.Ảnh minh họa
Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ xây dựng các chuẩn kiến thức, kỹ năng chung của người hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng trên cơ sở kết quả thi đánh giá năng lực hành nghề của từng cá nhân, làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp, góp phần phản ánh đúng năng lực, phân loại được người hành nghề, nâng cao chất lượng hành nghề.
Việc tổ chức kỳ thi quốc gia độc lập thông qua Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng người hành nghề từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Người dân sẽ được hưởng lợi từ việc được sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng tốt, hài lòng hơn với thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của người hành nghề. Việc được hưởng những dịch vụ có chất lượng cao sẽ giúp tạo niềm tin cho người dân đối với hệ thống y tế nước nhà.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức thuộc Bộ Y tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Hội đồng Y khoa quốc gia có chức năng xây dựng tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin, giáo dục, truyền thông và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động; tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức về tiêu chuẩn năng lực hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo chuyên khoa và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn năng lực của các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực làm cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin, giáo dục, truyền thông và hợp tác quốc tế; tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành khác các nội dung có liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo chuyên khoa, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, nâng cao năng lực của người hành nghề và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; tham gia đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng đào tạo y khoa theo quy định của pháp luật; thực hiện các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hội đồng; các nhiệm vụ khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, Hội đồng Y khoa quốc gia được thu các khoản lệ phí thi, phí đào tạo, kiểm định, đánh giá chất lượng theo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí, giá dịch vụ; được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động cho đến khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực; thực hiện tự chủ được về tài chính, lấy thu bù chi; được mượn, sử dụng địa điểm, cơ sở vật chất hoặc thuê (khi tự chủ được về kinh phí) tại các cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước để tổ chức các kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề; được thành lập các Ban chuyên môn, mời chuyên gia để thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia; kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với người hành nghề…
Dự thảo nêu rõ, mô hình tổ chức của Hội đồng Y khoa quốc gia gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Ủy viên hội đồng (Thường trực hội đồng); các Ban chuyên môn; Văn phòng Hội đồng Y khoa quốc gia.
Theo dự thảo, năm 2018, sẽ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia; xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung về điều kiện cấp Giấy phép hành nghề lần đầu và bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, vị trí pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia. Tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề đối với điều dưỡng, hộ sinh từ năm 2021, đối với bác sỹ từ năm 2022 và đối với các chức danh hành nghề khác từ năm 2023…