Đền bù, hỗ trợ phạm vi 300 m từ công trình điện gió như thế nào?
Hiện một số địa phương gặp vướng mắc về phản ánh của người dân đối với việc đền bù, hỗ trợ trong phạm vi 300m từ công trình điện gió và trong hành lang an toàn công trình điện gió. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Ảnh: PV VietnamPlus.vn |
Luật đất đai có quy định về “Bồi thường về đất” (Khoản 12 Điều 3) và “Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” (Khoản 14 Điều 3). Các đối tượng không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì về nguyên tắc sẽ thỏa thuận (nhà nước không quy định chính sách đền bù, hỗ trợ). Do vậy, sẽ có vướng mắc khi hộ dân bị ảnh hưởng không thỏa thuận, thống nhất được với chủ đầu tư điện gió về bồi thường, hỗ trợ.
Về tranh chấp đất đai (theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai): Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 203 Luật Đất đai (UBND các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án).
Nguyên nhân
Thứ nhất, hiện nay chưa có quy định cụ thể của pháp luật về “khu dân cư” và các đối tượng (nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi, …) được phép tồn tại trong phạm vi 300 m từ công trình điện gió và trong hành lang an toàn công trình điện gió. Khái niệm “khu dân cư” tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP đã bị bãi bỏ và thay thế bởi Nghị định số 51/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, có thể do chủ đầu tư và các bên liên quan ngay từ đầu đã chưa quan tâm đúng mức, chưa nghiên cứu và thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan, trong đó có quy định:
Một là, "ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người dân sinh sống" theo Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Công Thương.
Hai là, “Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình … phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân” theo Khoản 1 Điều 4 Luật Xây dựng.
Ba là, đảm bảo không lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung (theo quy định tại Khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng).
Thứ tư, đảm bảo nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh (theo Khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai).
Hướng giải quyết trong thời gian tới
Thực hiện Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hộitại văn bản số 2126/TB-TTKQH ngày 22/10/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 02/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2824/VPCP-QHĐP ngày 24 tháng 4 năm 2023 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung vướng mắc về đền bù, hỗ trợ liên quan đến dự án điện gió như sau: “Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn (ngoài các công trình công cộng, quốc phòng, an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành). Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của Nhà máy điện gió”.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.