Nhớ hồn Đà Lạt
Thay vào không gian mơ mộng đó, Đà Lạt những ngày này là một biển người chen chúc, với những từ ngữ nhận xét bộc phát đồng nghĩa của du khách như “kinh khủng”, “dễ sợ”, “khiếp quá”,… kèm những cụm từ ngắn gọn nhắc nhở nhau như “coi chừng móc túi”, “coi chừng đi lạc”, “hãy cầm tay nhau”,..
Ngay buổi tối đầu tiên đến Đà Lạt, chúng tôi đã may mắn gặp một người Đà Lạt gốc (chị đã ngoài 60 tuổi, được sinh ra lớn lên ở Đà Lạt), chị Nguyễn Thị Y chia sẻ: “Người Đà Lạt cũ rất chi là lịch sự, mua bán rất nhã nhặn. Giờ ngay cả như mình, cũng ngại đi chợ truyền thống. Người Đà Lạt căn bản một chút hầu như đi siêu thị, vì hàng hóa ngoài chợ truyền thống thì thật giả lẫn lộn, không đảm bảo chất lượng, người mua bán thì hung dữ, thách đố, làm mình cũng không trả giá được,… Đó là điều mà tôi cũng như những người Đà Lạt xưa đều vô cùng tiếc nuối…”.
Buổi tối du khách chỉ biết đổ xô chen chúc ra chợ đêm Đà Lạt |
Thành phố Đà Lạt những ngày quá tải, dù giá phòng lưu trú đã được niêm yết công khai, nhưng từ 300ngàn đồng/phòng/đêm, vẫn tăng lên 1,5 triệu đồng/phòng/đêm; phòng từ 500 ngàn đồng/phòng/đêm vẫn tăng lên 2,5 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay vẫn không thấy du khách nào lên tiếng phàn nàn về việc ấy, vì đó là “do du khách tự thuyết phục và chấp nhận, chứ không phải khách sạn đòi lên”. Bởi lẽ, những người kinh doanh cơ hội tại thành phố mộng mơ này cũng thừa biết “cái thế” của mình, du khách khó có thể ngủ trên xe, ngoài trời trong đêm lạnh…
Thực tế, sự quá tải buồng phòng không phải là vấn đề lớn, bởi những năm gần đây, người dân Đà Lạt đã biết lợi dụng thế mạnh du lịch, nên gần như nhà nhà làm du lịch. Số lượng phòng lưu trú tăng lên gấp rưỡi lần do nhà ở của nhiều người dân đã biến thành homstay,…
Cần xem lại chất lượng dịch vụ
Tôi đã có N lần đến với Đà Lạt. Song, cảm nhận về dịch vụ du lịch tại thành phố du lịch nổi tiếng này: lần sau luôn tệ hơn lần trước. Phải chăng, khi nhà nhà đổ xô làm du lịch (homstay), các cơ quan quản lý nhà nước mất kiểm soát với loại hình lưu trú này ?!...
Một biệt thự homsaty được cấp phép, treo bảng kinh doanh, nằm ngay trung tâm thành phố (cách Hồ Xuân Hương gần 300m), nhưng khi chúng tôi vào ở, cứ ngỡ mình đang trở về thời khốn khó của thập niên 80, mùi ẩm mốc chưa được khử trùng xộc vào mũi khi du khách vừa mở cửa… Những thiết bị cũ kỹ và dơ bẩn vẫn không được thay thế, dù sự thay thế đó không mất quá 500 ngàn đồng.
Chị H.T.M - du khách đến từ Nha Trang bộc bạch: “Tôi được người địa phương giới thiệu 1 homstay ngay trung tâm (gần trạm bán vé Phương Trang). Thật bất ngờ, khi đơn vị quản lý cấp phép cho kinh doanh theo hình thức homstay. Tôi nghĩ, nó là phòng trọ thì đúng hơn, bởi đơn giản nó chỉ là 1 cái phòng để ngủ, ngoài ra không có bất cứ sinh hoạt gì thú vị, chung với gia đình. Họ chỉ là lạm dụng từ homstay, vậy mà các nhà quản lý vẫn cứ cấp phép…”.
Làng Cù Lần: Gà vịt thoải mái thả rong, áo quần phơi phóng ngay nơi du khách ngồi nghỉ chân |
Sau nhiều ngày trải nghiệm, nếu phân tích đúng nghĩa của một thành phố du lịch, Đà Lạt vẫn “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”. Ban ngày, hầu hết du khách lang thang chụp hình lưu niệm và ăn; đêm đến, hầu hết du khách đổ về chợ. Nếu đến Đà Lạt để vui chơi, chắc chắn du khách sẽ thất vọng. Vì những khu vui chơi giải trí của Đà Lạt nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Nếu đến Đà Lạt để nghỉ dưỡng thì đừng ra phố, đừng vào chợ, mới cảm nhận được sự bình an và tránh những phiền toái đáng tiếc như kẹt xe, rác thải bừa bãi, tình trạng chen lấn tại các nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống cũng như chợ văn minh,…
Hầu hết những du khách đã từng yêu thành phố ngàn hoa - Đà Lạt, quay lại đều thất vọng và nhớ hồn Đà Lạt. Đó là một thành phố sương mù yên ả mê hồn…
Đứng giữa Đà Lạt mà lạc lõng, mà nhớ về Đà Lạt… Nếu các nhà quản lý, các nhà làm du lịch địa phương không chú trọng đến cảm xúc du khách đến Đà Lạt, thì e rằng sự hấp dẫn của thành phố mộng mơ sẽ không còn níu chân người lữ khách trong một tương lai không xa.