Sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Lợi ích lớn |
Ngày 13/1, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị nghe và báo cáo về tình hình các mỏ đất, vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, ước tính nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 là trên 590 triệu m3; giai đoạn 2026-2030 là 510 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phương án khai thác, bảo vệ tài nguyên trong quy hoạch tỉnh với tổng số 79 điểm mỏ đất đồi; công suất dự kiến đạt 50-70 triệu m3/năm; tổng khối lượng là 273 triệu m3.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã xác định 32 điểm bãi đất đá thải mỏ cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với trữ lượng khoảng 965 triệu m3 |
Đối với đất đá thải mỏ, tỉnh Quảng Ninh đã xác định 32 điểm bãi đất đá thải mỏ cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với trữ lượng khoảng 965 triệu m3. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 4 điểm bãi đất đá thải mỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý cho khai thác thu hồi với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp không chỉ hạn chế tối đa việc khai thác đất đồi ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên mà còn giảm áp lực về bãi thải mỏ và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất than. Đồng thời nguồn đất đá thải tưởng chừng như bỏ đi và phải sử dụng nhiều kinh phí để hoàn nguyên thì khi tận dụng cho các dự án còn tạo thêm nguồn ngân sách nhà nước.
Công ty Chế biến Than Quảng Ninh khai thác đất đá thải mỏ tại khu vực bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng |
Trước đó, vào 24/11/2022, tại mặt bằng bãi thải Nam Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai), Công ty Chế biến than Quảng Ninh tổ chức lễ khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ lớn nhất từ trước đến nay của TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại Quảng Ninh. Dự kiến nguồn đất đá thải mỏ này sẽ được Công ty Chế biến than Quảng Ninh cung cấp phục vụ một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh như: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và một số dự án của Tập đoàn Vingroup.
Cho ý kiến vào tình hình khai thác, quản lý các mỏ đất, vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương đã tập trung báo cáo, phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai và đề xuất các kiến nghị để tỉnh xem xét giải quyết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp để có báo cáo tổng thể về tình hình các mỏ đất, vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó làm rõ những vướng mắc, khó khăn và đề xuất phương án cụ thể để giải quyết.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì hội nghị nghe và báo cáo về tình hình các mỏ đất, vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh |
Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tập trung triển khai các công trình đầu tư công, đặc biệt là ưu tiên đất đá phục vụ cho dự án xây dựng tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Thị xã Đông Triều.
Về dài hạn, yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh việc lập các dự án, hoàn thiện các thủ tục về đất đá phục vụ đầu tư, bám sát với quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát các dự án có sản lượng sử dựng đất dư thừa để chuyển sang dự án khác.
Ngoài ra, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án chuẩn bị vị trí tập kết các loại đất, đảm bảo về trữ lượng, từ đó phân phối cho các dự án đầu tư công trên địa bàn. Trong đó, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, không thất thoát và không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Tăng cường việc khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng đất đá thải mỏ để triển khai các dự án. Sở Giao thông - Vận tải xây dựng các phương án tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển đất đá phục vụ các dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chủ trương đầu tư trên cơ sở đó tham mưu, điều chỉnh các giải pháp phù hợp với tình hình triển khai thực tiễn trong công tác quản lý, sử dụng các mỏ đất, vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án trên địa bàn.
Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đặt ra yêu cầu phải có lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa bàn Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Chủ trương này sẽ góp phần quan trọng để tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu nguồn đất đắp, san lấp nhiều dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ngành than, trung bình mỗi năm, khối lượng đổ thải trên các khai trường khai thác than khoảng 150 triệu m³; trữ lượng các bãi thải hiện có khoảng trên 1,3 tỷ m³ đất đá. Việc tận dụng nguồn đất đá thải mỏ này phục vụ san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật trên địa bàn tỉnh giảm thiểu nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh khu vực. |