Kim ngạch xuất khẩu của Vinatex trong 6 tháng đầu năm nay tăng 32%.
CôngThương - Đó là thông tin được ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam đưa ra tại buổi họp trực tuyến tại 3 đầu cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sáng 24/6/2011.
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Theo ông Lê Tiến Trường, dù phải đối phó với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát tăng cao, bất ổn của kinh tế vĩ mô, chi phí đầu vào tăng như giá điện, xăng dầu…, nhưng với sự nỗ lực tích cực đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, ngành dệt may đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong 6 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu của toàn ngành dệt may đạt 6,16 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010. Riêng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tăng 32%. Chỉ tính trong tháng 6/2011, xuất khẩu của toàn ngành dệt may đạt 1,15 tỷ USD, tăng 11% so với tháng 5, đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất vào những tháng đầu năm trong vòng 4 năm trở lại đây. Ông Trường khẳng định, với tốc độ trên, khả năng xuất khẩu dệt may năm 2011 đạt mục tiêu 13 tỷ USD là hoàn toàn hiện thực, dự kiến sẽ đạt 13,2 đến 13,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Do giá nguyên liệu trên thị trường thế giới (bông, vải nguyên liệu) tăng cao nên nhập khẩu nguyên liệu dệt may trong những tháng đầu năm cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, xét riêng trong lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, dệt may vẫn xuất siêu gần 2,1 tỷ USD. “Với những kết quả trên, ngành dệt may đã đóng góp tích cực vào việc kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng số lượng nhập khẩu nguyên liệu của ngành dệt may đang có xu hướng giảm. trong 6 tháng đầu năm, lượng vải nhập khẩu chỉ gần bằng cùng kỳ năm trước, trong khi bông nhập khẩu giảm tới hơn 10%. Đây là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ ngành dệt may đã có bước tiến lớn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu.
Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều tương đối thuận lợi với đơn hàng khá ổn định. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Việt Nam hiện đứng thứ hai trong số các nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ và chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ.
Giải pháp căn cơ trong những tháng cuối năm
Trong 6 tháng cuối năm, ngành dệt may sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục những khó khăn của kinh tế vĩ mô, đảm bảo giữ được mức độ tăng trưởng ổn định trong toàn ngành. Nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, từ khâu sợi- dệt- nhuộm hoàn tất- may để tạo nên sức mạnh tổng hợp, tăng sức cạnh tranh của tập đoàn vói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của đơn hàng FOB. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ chuyên nghiệp hóa bộ phận nghiên cứu phân tích, đánh giá các đối thủ cạnh tranh chính trên thế giới, tìm ra thị trường ngách để phát triển, đồng thời xây dựng chiến lược cạnh tranh phù hợp.
Để triển khai các dự án đầu tư, bên cạnh việc hợp tác với các đối tác có tiềm năng, Vinatex tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, thu xếp các nguồn vốn đối ứng cho các dự án từ những khách hàng truyền thống của mình. Tiếp tục thực hành tiết kiệm, giảm mức tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Xây dựng môi trường làm việc tốt với mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động trong từng doanh nghiệp, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động với doanh nghiệp, hình thành chuẩn mực doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề được Vinatex đặc biệt quan tâm. Ông Trường cho biết, Tập đoàn sẽ triển khai chương trình đào tạo chuyển đổi nghề cho 30.000 lao động nông thôn, trong đó định hướng 10.000 lao động phục vụ cho Tập đoàn; hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước xây dựng triển khai các chương trình đào tạo quốc tế chuyên ngành dệt may, thời trang. Phấn đấu đa dạng hóa và nâng cao đẳng cấp mặt hàng xuất khẩu, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh từ gia công sang FOB hướng tới mục tiêu bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế (ODM)- đây được xác định là hướng đầu tư hiệu quả của Vinatex trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp hiện nay.
Thời gian tới, Vinatex sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ thiết kế thời trang, hình thành đội ngũ lớn những người thiết kế thời trang công nghiệp. Đây sẽ là tiền đề để ngành dệt may hướng tới mục tiêu bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế khoảng 20% vào năm 2020 - ông Trường nhấn mạnh.