Điểm nhấn mới cho sự phát triển
- Đó là tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì, ghi nhận những công lao to lớn của tập thể CBCNV Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Công ty Điện lực Đà Nẵng) trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành điện, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa TP. Đà Nẵng. Và ngay những ngày cuối năm 2010, tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng, người viết cũng đã kịp chứng kiến lễ khánh thành và đưa vào hoạt động trạm biến áp 110kV Hòa Khánh 2, có tổng mức đầu tư trên 42,6 tỷ đồng.
Đây được xem là cột mốc đáng nhớ khi dự án này lần đầu tiên do Công ty Điện lực Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Sự ra đời của dự án đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh tại KCN Hòa Khánh mở rộng và cCụm công nghiệp Thanh Vinh, đặc biệt là đối với các phụ tải lớn như lĩnh vực sản xuất thép.
Năm 2010, trong điều kiện tốc độ tăng trưởng phụ tải điện cao, nhất là tiêu thụ điện trong công nghiệp và xây dựng dẫn đến khả năng thiếu điện của hệ thống điện Quốc gia xảy ra trên diện rộng vào các tháng mùa khô, buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phân bổ sản lượng/công suất điện cho Công ty Điện lực Đà Nẵng theo mức sản lượng điện khả dụng của hệ thống điện quốc gia. Khó là thế nhưng khi bước vào những ngày cuối cùng của năm, công ty cũng đã vượt qua rất nhiều khó khăn để cơ bản hoàn thành những mục tiêu SXKD đề ra từ đầu năm, góp phần tích cực vào việc phát triển KT-XH của thành phố.
Thông tin ban đầu từ Phòng Kế hoạch Cô ty Điện lực Đà Nẵng cho biết, năm 2010, sản lượng điện mua của EVN đạt xấp xỉ gần 1,4 tỷ kWh, tăng 12,95% so với năm 2009, trong đó sản lượng điện thương phẩm đạt trên 1,3 tỷ kWh, tăng 13,31% so với cùng kỳ năm 2009.
Bên cạnh đó, số khách hàng sử dụng điện trong năm 2010 đã phát triển được thêm 8.886 khách hàng, nâng tổng số khách hàng đến ngày 31-12-2010 là 234.615 khách hàng, tăng 6,19% so với năm 2009…Đề cập đến những con số rất khô khan đó để chứng minh một điều, trong tình hình sản lượng điện được EVN phân bổ với mức thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu phụ tải điện của thành phố (sản lượng điện tiết giảm xấp xỉ 23% so với nhu cầu), công ty Điện lực Đà Nẵng đã phải chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả. Khác với những năm trước, năm nay ngay cả khi mùa khô đã qua, thậm chí đến thời điểm những tháng cuối năm, Cty vẫn phải thực hiện tiết giảm với công suất tiết giảm giờ cao điểm khoảng 45 MW.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, qua theo dõi và theo số liệu do Cty Điện lực Đà Nẵng cung cấp thì công tác thực hiện tiết kiệm điện đã đem lại kết quả tốt. Năm 2010 đã tiết kiệm được hơn 38 triệu kWh, vượt 24,7 triệu kWh so với chỉ tiêu kế hoạch tiết giảm của cả năm do EVN giao.
Theo các nhà chuyên môn, năm 2011, dự kiến tình hình cung ứng điện tiếp tục khó khăn, hầu hết các hồ chứa thuỷ điện chưa tích đến mực nước dâng bình thường; riêng các hồ phía Bắc phải xả nước 2 đợt để phục vụ sản xuất Đông Xuân.
Bên cạnh đó, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn kéo dài cũng sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Theo ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty điện lực Đà Nẵng, năm 2011, tốc độ tăng trưởng phụ tải của TP. Đà Nẵng dự kiến tăng 15,78%, cao hơn năm 2010 vào khoảng 13,5%; đặc biệt là vào những tháng mùa khô, việc đảm bảo cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho Đà Nẵng sẽ càng khó khăn hơn.
Vì thế, ngành điện đã phải chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ mới có thể duy trì được mức cung ứng điện trên địa bàn ngay từ những ngày đầu năm 2011. Một trong những biện pháp đó là, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015”. Nhưng để đạt được mục tiêu đề ra, rõ ràng, đối với những dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án công nghiệp có nhu cầu lớn về điện năng sử dụng như thép, xi măng, cao su…thành phố cần quan tâm đến việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, có công suất tiêu thụ điện năng/đơn vị sản phẩm nhỏ…
V. HẠNH