Cảnh báo 10 tỉnh thành nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 11/9 đến 14 giờ ngày 12/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Ban Hàng Đồi 145,4mm, Thanh Hà 130,8mm (Hoà Bình); Tà Si Láng 61,8 mm, Nậm Lành2 55,2mm (Yên Bái); Mỹ Yên 56,6mm (Thái Nguyên); Nga Sơn 185mm (Thanh Hóa); Cửa Hội 140mm, Mỹ Sơn1 121mm (Nghệ An);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa phổ biến từ 5-30mm, có nơi trên 40mm.
Những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong chiều và tối nay. (Ảnh chụp màn hình) |
Thời gian vừa qua, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ đã liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đá đã bão hòa, lũ trên các sông vẫn còn ở mức cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất ngay cả khi không mưa. Trong 6 giờ tới, các khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc ở khu vực Bắc Bộ gồm:
Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La); Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai); Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên (tỉnh Yên Bái); Bắc Quang, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh (tỉnh Hà Giang); Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập (tỉnh Phú Thọ); Đại Từ, Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên).
Một số khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất ở ở khu vực Bắc Trung Bộ gồm: Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa); Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương (tỉnh Nghệ An).
Thái Bình: Hơn 4.000 dân sơ tán, tập trung xử lý chống tràn các tuyến đê bối
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều con sông đang đầy nước, một số tuyến đê xung yếu có hiện tượng xói lở, xuất hiện mạch sủi, đến 9 giờ sáng 12/9, các huyện và thành phố của tỉnh Thái Bình đã tổ chức di dời 1.577 hộ với 4.443 nhân khẩu sinh sống ở vùng đê bối vào nơi tránh trú an toàn. Địa phương phải sơ tán dân nhiều nhất là huyện Vũ Thư với 748 hộ với 2.158 khẩu; tiếp đến là huyện Hưng Hà 264 hộ với 967 khẩu.
Các lực lượng sử dụng các bao cát để ngăn nước lũ xâm nhập thêm vào đồng ruộng ở khu cánh đồng Hà Chóc, xã Xuân Hòa (Ảnh: Nam Hồng) |
Riêng trong ngày 11/9, các huyện gồm: Hưng Hà, Thái Thụy và Vũ Thư dồn sức xử lý 7 điểm sự cố liên quan đến hệ thống đê, kè, cống như: Xói lở chân đê, xuất hiện mạch sủi trên đê, chống tràn qua phai cống và bờ bao, đê bối…
Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã cấm tất cả phương tiện cơ giới không được lưu thông trên đê (trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa). Bên cạnh đó, dừng tất cả các hoạt động của bến đò ngang trên triền sông.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình chỉ đạo 7 huyện và thành phố Thái Bình tổ chức thành lập 18 Sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các sự cố lớn uy hiếp trực tiếp các tuyến đê, kè, cống.
Hiện tại, hệ thống đê sông của tỉnh Thái Bình vẫn đang bảo đảm an toàn. Chỉ có một số điểm đê bao bảo vệ cho một khu riêng biệt và đê bối bảo vệ cho một khu vực ở phía ngoài sông bị nước tràn, đã và đang được các lực lượng gia cố, xử lý.
Lào Cai: 350 người trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn tại Bắc Hà
Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, chiều 11/9, Bộ Công an đã tăng cường 80 cán bộ, chiến sĩ lên 2 điểm xảy ra sạt lở đất tại xã Nậm Lúc cùng với các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương gấp rút thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thôn Nậm Tông khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Hiện 2 điểm sạt lở đất gây chết người tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Bắc Hà) có 350 người trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, trong đó xóm Bản Cái có 250 người.
Do đường giao thông bị chia cắt nên chưa thể huy động thiết bị máy móc vào cứu nạn. Các lực lượng chia làm nhiều mũi, nhóm để tiếp cận địa bàn thực hiện công tác cứu nạn, tìm kiếm người bị mất tích.
Đơn vị quản lý giao thông tỉnh đã huy động 4 máy xúc lật thực hiện khắc phục tuyến đường vào trung tâm xã, thôn để sớm có thể đưa thiết bị, máy móc vào khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn.
Trước đó, sáng ngày 10/9 đã xảy ra vụ sập khu nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đông Nam Á tại xã Nậm Lúc làm 5 người mất tích (sau đó đã cứu được 1 người), hiện còn 4 người chưa tìm thấy. Vào chiều ngày 10/9, sạt lở đất tại xóm Bản Cái làm 7 người chết, 11 người mất tích và 11 người bị thương.
Hà Nội thành lập 14 chốt cửa khẩu phòng lũ
Chiều 12/9, trao đổi với Vuasanca , Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) cho biết, trước diễn biến lũ sông Hồng dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Công an quận Bắc Từ Liêm đã thành lập 14 chốt cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ canh gác.
Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với các lực lượng thành lập 14 chốt cửa khẩu kiểm soát người dân. (Ảnh Đạt Lê) |
Theo đó, quận Bắc Từ Liêm có 4 phường nằm ngoài đê sông Hồng và 5 phường ngoài đê sông Nhuệ, sông Pheo, sông Cầu Đá. Các phường ven đê sông Hồng gồm: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát.
Các phường ven sông Nhuệ, sông Pheo gồm có: Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Phúc Diễn, Tây Tựu. Đây là các địa phương nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp khi nước lũ dâng cao.
Mỗi chốt cửa khẩu này bố trí khoảng 10 người thành phần gồm cán bộ chiến sĩ công an quận, công an các phường, lực lượng dân quân tự vệ, quân sự phường, đoàn thanh niên cùng người dân tham gia ứng trực. Các lực lượng sẽ thay nhau chốt trực 24/24h để nhắc nhở người dân vào khu vực nơi ở ngoài đê.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, trước những diễn biến thời tiết phức tạp của hoàn lưu cơn bão số 3, dẫn đến nước lũ trên sông Hồng dâng cao rất nhanh, gây nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, ngoài lập 14 chốt cửa khẩu trên, lực lượng Công an quận Bắc Từ Liêm đã hỗ trợ người dân di dời 100% hộ dân (836 hộ) tại 4 phường ven đê sông Hồng và 553 hộ ngoài đê thuộc 7 phường còn lại đến nơi an toàn.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản, vật nuôi, lực lượng Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các địa phương, đoàn thể, quần chúng nhân dân hướng dẫn và hỗ trợ từng nhà dân di dời tài sản, vật nuôi và sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm.