Điểm sàn năm 2024 của Trường Đại học Ngoại thương
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp (điểm sàn) đối với trụ sở chính và các cơ sở trực thuộc là 24 điểm, tăng 0,5 so với năm ngoái.
Theo đó, ở phương thức kết hợp điểm thi với điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (phương thức 3), điểm sàn từ 16 đến 17. Đây là tổng hai môn, gồm toán và một trong các môn lý, hóa, văn, tùy ngành, chưa gồm điểm ưu tiên.
Trước đó, Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn của ba phương thức xét tuyển sớm. Trong đó, mức điểm chuẩn cao nhất là 30.
Cụ thể mức điểm chuẩn xét tuyển sớm của Trường Đại học Ngoại thương thấp nhất 25-26 điểm, mức điểm chuẩn tập trung nhiều nhất từ 28 đến dưới 28,5 điểm.
Ở phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với giải học sinh cấp tỉnh, quốc gia hoặc xét học bạ với học sinh các trường THPT chuyên (theo đề án tuyển sinh là phương thức 1), chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại trụ sở Hà Nội lấy điểm cao nhất với 30 điểm.
Phương thức xét học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế (phương thức 2) cũng có điểm chuẩn 30, áp dụng với chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại, trụ sở chính Hà Nội.
Tại phương thức xét tuyển kết hợp học bạ và giải học sinh giỏi quốc gia, điểm tối đa là 34 (gồm 30 điểm từ ba môn trong tổ hợp, 4 điểm cộng nếu thí sinh đạt giải nhất quốc gia). Với cách tính tương tự, điểm tối đa khi xét học bạ với giải học sinh giỏi cấp tỉnh là 32.
Trường Đại học Ngoại thương lưu ý, đối với ngành ngôn ngữ (các chương trình tiếng Anh thương mại, tiếng Pháp thương mại, tiếng Nhật thương mại, tiếng Trung thương mại), mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là tổng điểm của tổ hợp ba môn toán, văn, ngoại ngữ và điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có (trong đó điểm môn ngoại ngữ nhân hệ số 1).
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.130 chỉ tiêu cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc. Ngoài mở mới ngành khoa học máy tính, trường còn lần đầu tuyển sinh ngành kinh doanh quốc tế, liên kết với Đại học Queensland, Úc.