Điểm sáng xuất nhập khẩu
Tăng trưởng mạnh mẽ trong khó khăn
Bối cảnh quốc tế trong giai đoạn 2015-2020 nhìn chung không thực sự thuận lợi cho thương mại quốc tế. 5 năm vừa qua là thời kỳ kinh tế thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều và khó đoán định từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, Anh rời Liên minh châu Âu đến các biến động về quan hệ kinh tế - chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...
Nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu thấp, các nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Tổng cầu giảm sút cũng kéo theo cạnh tranh ngày càng gay gắt đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu.
Xuất nhập khẩu giai đoạn vừa qua tăng trưởng mạnh trong khó khăn |
Nhận định được rõ tình hình khó khăn, thách thức từ sớm, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác điều hành xuất nhập khẩu; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại.
Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu của nước ta đạt được những kết quả hết sức tích cực. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 162 tỷ USD năm 2015 lên 264,27 tỷ USD năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập được khai thác hiệu quả, gắn mở rộng tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu và dịch chuyển thành công cán cân thương mại từ trạng thái nhập siêu sang xuất siêu. Mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 nêu tại Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã đạt được sớm 4-5 năm, cụ thể là từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016, 2,11 tỷ USD năm 2017, 6,83 tỷ USD năm 2018 đến đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 10,87 tỷ USD năm 2019.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ chiếm 78,9% kim ngạch xuất khẩu năm 2015 lên mức 84,2% năm 2019. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 xuống còn 1,7% năm 2019.
Chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước có trị giá xuất khẩu tăng 19,1% so với năm trước, trong khi khối doanh nghiệp FDI chỉ tăng 4,2%.
Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng được đa dạng hóa. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019. Trong năm 2019, số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 23, số mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỷ USD là 8 và số mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD là 6.
Công tác hội nhập quốc tế và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, nước ta đã có 13 FTA với hơn 50 thị trường, trong đó có hầu hết các nền kinh tế lớn nhất của thế giới.
Tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi sang các nước đối tác FTA cũng đạt mức cao, chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Con số này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Năm 2019 có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD, 9 thị trường trên 5 tỷ USD.
5 giải pháp quan trọng
Những thành tích đáng ghi nhận của hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua là kết quả của hàng loạt hoạt động, giải pháp, trong đó vai trò quản lý nhà nước với hoạt động ngoại thương của Bộ Công Thương đã được phát huy mạnh mẽ. Theo đó, thứ nhất, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ngoại thương đã luôn được coi trọng, phù hợp với thực tiễn quản lý và tuân thủ các cam kết quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Cục Xuất nhập khẩu đã trình Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương ký ban hành số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật bao gồm 04 Nghị định và 82 Thông tư thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Riêng trong năm 2020, tính đến hết tháng 8, Cục Xuất nhập khẩu đã trình Lãnh đạo Bộ Công Thương ký ban hành 11 Thông tư thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng theo hướng minh bạch, ổn định, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đồng thời, các văn bản được ban hành theo đúng nguyên tắc, biện pháp quản lý và thẩm quyền ban hành tại Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.
Với sự nỗ lực, quyết liệt của Bộ Công Thương, nhiều điều kiện kinh doanh chưa hợp lý đã được bãi bỏ; công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa.
Tính đến hết năm 2019, Bộ Công Thương đã triển khai 56 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở cấp độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương. Đây đều là những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại của Bộ Công Thương giai đoạn 2018-2020. Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ đạo thiết lập và duy trì hoạt động của Đường dây nóng của Bộ Công Thương hỏi đáp về thủ tục xuất nhập khẩu qua điện thoại và qua email. Thông qua đó, các vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được kịp thời thông tin, giải đáp, giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như xây dựng hình ảnh của Bộ Công Thương.
Thứ ba, là việc tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại hiệu quả hơn. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các FTA và cách thức tận dụng các FTA, Cục Xuất nhập khẩu đã chỉ đạo đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh C/O điện tử; song song với tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.
Từ ngày 1/1/2020, Cục Xuất nhập khẩu tổ chức cấp C/O điện tử hoàn toàn đối với hàng hóa xuất khẩu sang 6 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei và Campuchia. Điều này có ý nghĩa quan trọng về C/O là thủ tục có số lượng hồ sơ rất lớn, việc triển khai điện tử hoàn toàn giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu chi phí giao dịch, nâng cao tính công khai, minh bạch.
Thứ tư, công tác quản lý, điều hành xuất nhập khẩu trong tình hình mới theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời thông tin cho các Hiệp hội, doanh nghiệp và phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương, hay các cơ quan, đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu. Nhiều Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu đã được tổ chức để bàn các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu: Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, sang Liên minh châu Âu; Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo;... Bộ đã biên soạn, phát hành Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc với các thông tin cụ thể về dung lượng thị trường, các yêu cầu về bao bì, nhãn mác, kiểm dịch động thực vật của cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc, địa chỉ cần biết cũng như thông tin về các chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan của Việt Nam. Sổ tay này đã được gửi tới các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ năm, chú trọng công tác thông tin, truyền thông về xuất nhập khẩu. Việc xử lý, truyền tải và cung cấp thông tin cho báo chí, Hiệp hội, doanh nghiệp đã được quan tâm và trở thành một phần trong công tác điều hành. Bên cạnh các hoạt động truyền thông về các Hiệp định FTA, Cục Xuất nhập khẩu đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn, phát hành nhiều ấn phẩm thông tin về xuất nhập khẩu: Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam thường niên; Báo cáo Logistics thường niên; Sổ tay văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản hàng tuần,... Việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, có hệ thống giúp các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu chủ động dự báo, ra quyết định hiệu quả hơn.
Tiếp tục duy trì hiệu quả xuất nhập khẩu
Những tháng đầu năm 2020 ghi nhận những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta phải đối phó với một dịch bệnh có tính chất nguy hiểm, tốc độ lây lan đáng báo động trên phạm vi toàn cầu và tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như dịch Covid-19 lần này.
Các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm đều cho thấy chịu tác động khá lớn từ dịch Covid-19, song vẫn có nhiều điểm sáng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.
Đáng chú ý, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2020 tăng 6,5% so với tháng 7/2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD, là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Mức tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ... Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đều tăng trưởng cao ở mức hai con số so với tháng trước liên tục trong tháng 7 và 8 do Samsung cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới Galaxy Note20 và chính thức bán ra toàn cầu trong tháng 8/2020.
Tính chung 8 tháng năm 2020, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%. Có đến 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả, đặc biệt là EVFTA. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, mặc dù thời điểm EVFTA có hiệu lực (1/8/2020) là ngày nghỉ, song Bộ Công Thương vẫn nhanh chóng triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng được nhận chứng nhận xuất xứ hàng hóa, từ đó nhanh chóng nhận được các ưu đãi từ EVFTA.
Trong 1 tháng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8-31/8/2020), các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 8 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với. Tiếp đến là Trung Quốc; EU; ASEAN; Hàn Quốc; Nhật Bản.
Cùng với những điểm sáng về xuất nhập khẩu, cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu cũng là điểm đáng lưu ý của hoạt động ngoại thương năm 2020. Tháng 8, cả nước vẫn ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay.
Ngay khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động giao thương xuất khẩu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất trong nước…
Đến nay, với việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, kinh tế nước ta đứng trước nhiều cơ hội để ổn định và hồi phục. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1457/QĐ-BCT ngày 03 tháng 6 năm 2020 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh Covid-19 và các ảnh hưởng liên quan dự báo còn duy trì trong thời gian dài, các biện pháp của ngành Công Thương là rất kịp thời, toàn diện, đồng bộ, do vậy cần được các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng tiếp tục phát huy những điểm mạnh, những công tác xuất nhập khẩu đã và đang làm tốt trong thời gian qua như công tác hội nhập kinh tế, xây dựng thể chế chính sách về xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp… để tạo nền tảng cho xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp, sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương, mặc dù nhiều khó khăn, thách thức trước mắt nhưng giai đoạn 2020-2025 sẽ tiếp tục ghi nhận những thành công, dấu mốc phát triển mới của hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và hoạt động của ngành Công Thương nói chung.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác tham mưu về xuất nhập khẩu, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng như: Huân chương Lao động hạng 3 (2014); Huân chương Lao động hạng 2 (2011); Cờ thi đua Chính phủ (các năm 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, 2019); Cờ thi đua Bộ Công Thương (2009; 2016; 2018); Giấy khen của Đảng ủy Bộ Công Thương cho Đảng ủy Cục Xuất nhập khẩu đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2018 (năm 2018); Tập thể Lao động xuất sắc (năm 2018). |