Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu bảo đảm công khai, minh bạch
Tin hoạt động 01/07/2020 16:23
Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%
Sáng ngày 1/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia, chủ trì họp Ban Chỉ đạo, đánh giá về công tác điều hành giá nửa đầu năm, biện pháp những tháng cuối năm, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy kích cầu nội địa, nhất là du lịch, hàng không, dịch vụ bán lẻ. Thông tin đáng mừng là hoạt động dịch vụ du lịch đã trở lại sôi động sau dịch Covid-19, nhiều hãng đã khôi phục tỷ lệ lớn về các đường bay, chuyến bay. Các khách sạn lưu trú đã đông khách trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác điều hành chung của Chính phủ, “không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát” |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, CPI tháng 6 tăng 0,66%. Từ đó, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, dần tiệm cận với chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% mà Quốc hội đề ra.
Báo cáo cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng đầu năm, để thực hiện được mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2020 trong khoảng 4% thì dư địa cho các tháng còn lại sẽ ở mức +0,56%/tháng. Như vậy, đến thời điểm hiện nay có thể thấy dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại vẫn ở ngưỡng tương đối thuận lợi và có thể thấy với quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng thì kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ dưới 4%. Cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô.
Nêu ra một số bất cập cần tập trung khắc phục như vấn đề giá thịt lợn, sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh các yêu cầu điều hành giá 6 tháng cuối năm. Đó là cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào công tác điều hành chung của Chính phủ, “không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát”.
Sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Trong bối cảnh ấy, chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng khẳng định, “chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp |
Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu cụ thể: giá xăng dầu thế giới trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh. Tuy nhiên từ cuối tháng 4 khi thế giới bước vào thời kỳ mới phục hồi kinh tế, giá xăng dầu thế giới tăng, đơn cử xăng E5RON92 tăng 140,3%, RON95-III tăng 69,59%. “Với thị trường trong nước, từ đầu năm giảm 8 lần liên tiếp, sau đó tăng 4 lần liên tiếp. Như vậy, chúng ta đã điều hành trong nước chỉ tăng 21,8-30,3%, thấp hơn rất nhiều so với giá tăng của thế giới, giảm thiểu sự tác động đến đời sống người dân, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh” - Thứ trưởng chỉ ra.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, thời gian qua việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu cũng được điều chỉnh linh hoạt, hợp lý. Như kỳ điều hành gần nhất (ngày 27/6) đáng nhẽ mặt hàng xăng E5RON92 thực tế tăng 1.768 đồng, nhưng chúng ta đã trích quỹ 900 đồng nên chỉ tăng 868 đồng/lít, như vậy tăng chưa đến một nửa so với mức đáng tăng.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp liên Bộ Tài chính - Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ điều hành xăng dầu một cách hài hòa nhất trên tinh thần sử dụng Quỹ bình ổn hợp lý. “Hiện nay chúng ta có duy nhất công cụ Quỹ bình ổn, qua thời gian tích lũy cũng có số lượng nhất định để có thể điều hành, nếu trong thời gian tới giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì chúng tôi cố gắng mức cao nhất đảm bảo không tăng đột biến xăng đảm bảo phục vụ sản xuất và cho nhu cầu người dân” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng
Đối với điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, trước hết là xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Đối với mặt hàng điện, không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp. Theo đó, Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.
Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin truyền thông, “phải nói dễ nghe, dễ hiểu để người dân ủng hộ chủ trương”. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, ngành chức năng, các địa phương chủ động thông tin truyền thông về tình hình giá cả thị trường quốc tế, trong nước, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, độc quyền giá trái quy định.
Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có chương trình giảm giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng.
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, đối với Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ về Nghị định sửa đổi vào ngày 30/6. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan có thể rà soát đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như đáp ứng được nhu cầu của các cấp để đưa việc sửa đổi Nghị định 83 vào cuộc sống.
Đáng chú ý đối với giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nay đến cuối năm không tăng giá điện. “Cụ thể, Bộ Công Thương đã xin ý kiến 63 đoàn đại biểu Quốc hội, trong tháng 7 và tháng 8 tiếp tục xin ý kiến rộng rãi của người dân, các chuyên gia và trong quý III/2020 cùng lắm đến tháng 9 sẽ trình Chính phủ các bậc thang tính giá điện theo cách tính mới” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin rõ.
Thứ trưởng Hải thông tin thêm, hiện nay Bộ Công Thương đang thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và chương trình khuyến mại quốc gia, đặc biệt thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1/7 - 30/7/2020 nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp tham gia được cung cấp mức khuyến mãi cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa chỉ là 50% như theo quy định hiện hành.