Thông tin trên được ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết tại Hội nghị xuất khẩu da giày 2016, tổ chức ngày 14/7.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Việt Nam đang chiếm 4,3% thị phần sản xuất của ngành giày thế giới. Theo đó, tại khu vực châu Á, ngành da giày Việt Nam đứng hàng thứ 3 sau Trung Quốc, Ấn Độ, còn trên bình diện thế giới thì đứng vị trí thứ tư, sau Brazil.
Trong năm qua, nhu cầu nhập khẩu giày dép của thế giới là 133 tỷ USD, trong đó EU vẫn dẫn đầu với kim ngạch nhập chiếm 38%, kế đó là thị trường châu Á chiếm 36%, thị trường châu Mỹ là 23%.
So với các nước xuất khẩu da giày khác, Việt Nam có điểm mạnh là ổn định chính trị, chi phí về nhân công vẫn thấp hơn, có cơ chế chính sách hướng đến xuất khẩu. Xét về tiềm lực, ngành da giày Việt Nam có nhiều cơ hội từ các FTA mang lại. Theo "dòng chảy" của chuỗi sản xuất, nhãn hàng có xu hướng chuyển sang Việt Nam để tận dụng các cơ hội xuất khẩu với thuế rẻ và tận dụng nguồn lao động của Việt Nam - đất nước có tỷ lệ dân số vàng với 54% trong độ tuổi lao động.
Thống kê của Lefaso cho thấy, hiện toàn ngành đang có khoảng 800 công ty sản xuất da, giày dép và túi xách được phân bố chủ yếu tại khu vực phía Nam, tập trung nhiều ở các địa phương là Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23%, đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu, DN trong nước chiếm 77% nhưng chỉ đáp ứng 35% kim ngạch. Lý do nguồn lực DN trong nước còn quy mô nhỏ, dẫn đến thiếu vốn sản xuất, thiếu công nghệ, thiếu đội ngũ lãnh đạo cao cấp, thiếu năng lực quản trị và năng suất.
Trên thực tế, hiện năng suất sản xuất của DN Việt chỉ bằng 60-70% các DN FDI. Không những vậy, DN còn đối mặt với chi phí ngày càng tăng lên. Do vậy, khả năng đáp ứng được các quy định của các FTA, trong đó các vấn đề mấu chốt như tiêu chuẩn lao động, môi trường, nguyên tắc xuất xứ càng là thách thức.
Để tăng sức cạnh tranh cho ngành da giày, hiện Lefaso đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư vào một số dự án khuyến khích DN có các sản phẩm mới. Trước mắt tập trung sản phẩm mới là đế pha lông và cao su, nhiều màu nhằm tăng dần giá trị sản phẩm da giày và túi xách Việt Nam. Đồng thời, các DN cần tiến hành kết nối theo chuỗi.
Có hai hướng để DN chọn là chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang. Chuỗi liên kết dọc nghĩa là liên kết giữa nhà làm ra sản phẩm cuối cùng với người làm ra nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị cũng như gắn với nhà logistic. Dạng chuỗi liên kết ngang thì trong đó đối với những nhà máy sản xuất cùng một loại sản phẩm với nhau, ví dụ sản phẩm thể thao phải liên kết với nhau. Khi có các chuỗi liên kết nội địa sẽ giúp ngành giày VIệt Nam nâng sức cạnh tranh đối với sản phẩm nước ngoài bởi vì những thương hiệu lớn thường chỉ định những nhà sản xuất lớn cho các đơn hàng.