Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu
- Diễn đàn sẽ tập trung đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu theo chiến lược xuất khẩu 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tạo cơ hội để DN xuất khẩu kết nối, tiếp cận thông tin chính sách, mở ra những định hướng mới nhằm tối đa hóa giá trị xuất khẩu cho các DN tại TP. HCM và các tỉnh, thành trong khu vực.
Chính sách kinh tế hướng mạnh vào xuất khẩu
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội- nhận định: “Chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu vẫn là một trong những trụ cột của nền kinh tế của Việt Nam. Thông qua các hiệp định song phương và đa phương về thương mại mà Việt Nam đã và sẽ ký kết trong thời gian tới về cơ bản xoá bỏ hàng rào thuế quan hai chiều vì thế sẽ mở ra cơ hội cho DN Việt Nam thị trường xuất khẩu to lớn.
Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của cả nước tuy vẫn tăng trưởng, nhưng liên tiếp đối mặt với những khó khăn mới từ tình hình chính trị - kinh tế thế giới, từ rào cản thương mại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa của các nước gây không ít trở ngại cho DN tăng sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu.
Theo phân tích của ông Lịch, trong ngắn hạn (vài năm tới) tính chất của nền công nghiệp gia công chủ yếu dựa vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu chưa thể thay đổi sẽ làm giảm sức cạnh tranh và mở rộng thị trường mới; cơ hội mở rộng thị trường trong khối Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khó khăn do quy định về xuất xứ nguyên liệu. Ngoại trừ các DN nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) có thị trường xuất khẩu ổn định, dựa vào uy tín của công ty mẹ có thể tận dụng cơ hội, còn phần lớn các DN Việt Nam chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh DN và sản phẩm đều thấp, xuất khẩu qua trung gian nên hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.
Với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong nước, hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh DN và cạnh tranh sản phẩm. Vấn đề không phải là xuất khẩu sản phẩm gì, mà là làm thế nào tạo ra sự khác biệt của sản phẩm để cạnh tranh. Đây chính là thách thức đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giải quyết những thách thức
Diễn đàn xuất khẩu tới đây, Bộ Công Thương, các diễn giả trong và ngoài nước sẽ đưa đến DN những nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực hiện nay; những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương để tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới.
Diễn đàn sẽ cung cấp những thông tin mới về thị trường các nước, các khu vực trên thế giới, những sản phẩm đang có nhu cầu tại các nước để DN định hướng sản xuất, kinh doanh, đồng thời hoạch định chiến lược xuất khẩu đến những thị trường tiềm năng.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC)- cho biết, những phản ảnh và ý kiến đề xuất của DN sẽ được ITPC tổng hợp gửi đến Bộ Công Thương, UBND TP. HCM và các bộ, ngành. Đại diện các vụ thị trường nước ngoài, tham tán Việt Nam tại nước ngoài, đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam… tại diễn đàn cũng sẽ giải đáp trực tiếp những thắc mắc của DN, cung cấp thêm nhiều thông tin thị trường, hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm đối tác của DN; trao đổi về những thuận lợi và khó khăn đối với một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới khi nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương đã ký kết hoặc đang được đàm phán sẽ ký kết trong thời gian tới.
Ngọc Thảo