Mũ bảo hiểm giả lan tràn trên thị trường.
Thông tin trên được ông Lê Thế Bảo- Chủ tịch VATAP cho biết tại hội thảo “Cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái khi đến Tết Nguyên đán” diễn ra ngày 23/12.
Theo ông Bảo, hiện hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và văn hóa phẩm. Sản xuất hàng giả, hàng nhái đã trở thành một ngành công nghiệp với quy mô lớn; trong đó các sản phẩm như đồng hồ, rượu, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật… là những mặt hàng thường bị làm giả nhiều hơn cả. Thông tin từ Tổ chức Hải quan thế giới cho thấy, cứ 10 sản phẩm có 1 sản phẩm bị làm giả. Hàng năm nước Mỹ thiệt hại 250 tỷ USD, còn Đức thì mất 70.000 việc làm cùng 25 tỷ USD do nạn hàng giả, hàng nhái. Tổng số lượng đồng hồ Thụy Sỹ giao dịch trên thị trường là 40 triệu chiếc trong khi số lượng sản xuất thực tế chỉ có khoảng 26 triệu chiếc…
Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng khá nghiêm trọng. Theo tính toán của VATAP, trị giá hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu, hàng gian lận thương mại, trốn thuế là nghiêm trọng và là vấn nạn của đất nước. Tuy nhiên công tác chống vấn nạn này vẫn chưa được doanh nghiệp nêu cao do phần đông doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên không đủ sức chống đỡ. Ngoài ra, do người tiêu dùng có tâm lý thích dùng đồ hiệu nhưng thu nhập không cho phép nên họ tìm đến hàng nhái… “Muốn chống đỡ hàng giả, vai trò của doanh nghiệp là quan trọng nhất vì bản thân các đơn vị này cần chủ động hợp tác với cơ quan chức năng cũng như các phương tiện truyền thông để chống hàng giả”- ông Bảo cho biết.
Ông Đỗ Hồng Chính – Phó tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho hay, công tác chống hàng giả, hàng nhái đã được VBA nêu cao thực hiện trong nhiều năm nay. Cụ thể, trong năm 2013 Hiệp hội đã phối hợp cùng cơ quan chức năng thu giữ trên 48.000 chai rượu vi phạm các loại. Trong năm 2014, chỉ riêng tại TP.HCM đã bắt giữ 28.807 chai rượu các loại, trong đó có 2.725 chai rượu ngoại. Một trong những đơn vị tiêu biểu thực hiện tốt công tác chống hàng giả, hàng nhái là Diageo Việt Nam. Trong vòng 4 năm qua, doanh nghiệp này đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng phá 18 vụ làm hàng giả tại nhiều địa phương trên cả nước. Nếu như doanh nghiệp nào cũng tự có ý thức như vậy thì hàng giả, hàng nhái sẽ bớt đi rất nhiều.
“Để tránh mua nhầm và ủng hộ các nỗ lực chống hàng giả của Chính phủ, người tiêu dùng nên lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng uy tín, được tuyển chọn hay ủy quyền bởi nhà sản xuất” – ông Chính khuyến cáo.
Đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - ông Đàm Thanh Thế cho biết, trước thực trạng hàng nhái, hàng giả có diễn biến phức tạp các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an, cảnh sát biển, hải quan… phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện tốt công tác phòng chống. Bởi lẽ, hàng nhái, hàng giả không chỉ có trong nước mà tại nước ngoài cũng sản xuất hàng giả mang thương hiệu, nhãn mác của Việt Nam.
Ông Lê Thế Bảo cho hay, sang năm 2015 VATAP sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng, đồng thời thực hiện tuyên truyền cho tiểu thương, đại lý về hàng giả để họ có ý thức không bán hàng giả, hàng nhái.
TIN LIÊN QUAN | |