DN "lần khân" trong giảm giá cước vận tải sẽ bị phạt
Từ tháng 7/2014 đến nay, trước tình hình giá xăng dầu liên tục giảm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GTVT kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GTVT, Sở Tài chính về việc tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô trên địa bàn, trong đó đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu.Theo Bộ Tài chính, nhìn chung, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước là tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá của xăng dầu. Cụ thể, đối với vận tải bằng ô tô: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 1/1/2014 thì giá cước vận tải giảm trung bình từ 3-10% là tương đối phù hợp. Đối với vận tải hàng không nội địa: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5%, mức giảm giá trần 15%. Đối với vận tải đường sắt: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành, giá cước đường sắt đã điều chỉnh giảm trung bình khoảng 10%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị vận tải đã giảm giá cước nhưng mức giảm vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu. Trước diễn biến này, Liên Bộ khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại một số địa phương (Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ). Toàn hệ thống ngành Tài chính sẽ triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 06/1/2015 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Trong đó có nội dung chỉ đạo các Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở GTVT yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải giảm cước phù hợp diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý; giám sát chặt chẽ đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện mức giá đã kê khai, nhất là xe chạy liên tỉnh, đường dài; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải công bố công khai mức giá cho hành khách đi xe biết. Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giá, các đơn vị phải tính toán chi phí nhiên liệu trong giá thành để kê khai giảm giá cước vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại theo đúng quy định. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, cụ thể phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe; công bố công khai danh tính đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.