Tham dự và phát biểu tại hội thảo, về phía Việt Nam có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương, Tham tán Thương mại Vũ Việt Nga, đại diện Bộ Công Thương tại Philippines; về phía Philippines có Chủ tịch Liên đoàn các nhà cung cấp và sản xuất điện, điện tử Philippines (PESA) và Hiệp hội Công nghiệp điện Philippines (PAEII), Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Philippines - Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp các doanh nghiệp Hoa kiều tại Philippines (FFCCCII).
PESA và PAEII là hai tổ chức ngành hàng lớn nhất của Philippines quy tụ các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, phân phối và sản xuất các mặt hàng điện, điện tử.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành về điện, điện tử của Việt Nam được tổ chức tại Philippines. Các doanh nghiệp Philippines rất ngạc nhiên trước sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện, đặc biệt là các doanh nghiệp như Lioa, Điện Quang, Kangaroo. Các doanh nghiệp Philippines đánh giá rất cao về chất lượng cũng như quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Kenneth Go, Chủ tịch PESA và ông Stephen Wong, Chủ tịch PAEII cho biết, hội thảo lần này thực sự là một cơ hội quý giúp các doanh nghiệp Philippines biết đến năng lực của các doanh nghiệp điện Việt Nam và sẽ nhất định tổ chức đoàn doanh nghiệp thành viên sang thăm quan và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. PESA và PAEII cho biết, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm điện của Philippines rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế và sự bùng nổ của lĩnh vực xây dựng. Hội thảo lần này đã cho thấy Việt Nam sẽ là một nguồn cung cấp mới, tiềm năng cho các doanh nghiệp Philippines.
Bà Vũ Việt Nga, Tham tán Thương mại tại Philippines cho rằng, Philippines là thị trường vô cùng tiềm năng đối với hàng điện của Việt Nam kể cả gia dụng và công nghiệp với nhiều lợi thế như quy mô thị trường lớn (100 triệu dân, nhu cầu tăng do bùng nổ lĩnh vực xây dựng), có yêu cầu về phẩm cấp tương đồng với Việt Nam, hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan (chỉ từ 0-5%) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, ngành sản xuất nội địa Philippines chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước nên vẫn phải nhập khẩu nhiều... Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và tích cực trong việc tìm hiểu thị trường để nắm bắt cơ hội.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Philippines đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2014, đứng thứ 6 trong các nước ASEAN, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 2,3 tỷ USD và nhập khẩu từ Philippines là 675,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo; máy móc, thiết bị; điện thoại di động và phụ kiện; máy tính và linh kiện; sắt thép; cà phê; sản phẩm nhựa; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản; nguyên liệu nhựa. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Philippines gồm máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị phụ tùng; sắt thép phế liệu; nguyên liệu thuốc lá; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu; linh kiện ôtô; bánh kẹo; sản phẩm hóa chất; nguyên liệu nhựa. |