CôngThương - Công ty TNHH một thành viên Đá Hoàng Mai, một trong 10 doanh nghiệp đứng tên trong văn bản kêu cứu nêu trên đã có thâm niên nhiều năm trong ngành sản suất đá xây dựng, với doanh thu từ 70- 80 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, hàng ngàn tấn đá xây dựng của Công ty không thể tiêu thụ được. “Sản phẩm của Công ty ế hoàn toàn không phải do chất lượng kém, mà vì cách cạnh tranh không lành mạnh của Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai”, ông Lê Minh Tịnh, Giám đốc Công ty cho biết.
Thời điểm này, tại công trường khai thác của Công ty TNHH một thành viên Đá Hoàng Mai, những cỗ máy nghiền, sàng, băng chuyền… khá hiện đại nằm im lìm, có nguy cơ bị hoen rỉ, hàng ngàn khối đá xây dựng đủ loại nằm phơi giữa nắng mưa. Chỉ có vài anh bảo vệ trên công trường rộng lớn.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty tư nhân Trường Thịnh cho biết, họ cũng trong tình trạng tương tự và sản phẩm đá xây dựng của Công ty đang “đắp chiếu”.
Trong khi đó, tại công trường sản xuất của Xí nghiệp Khai thác đá thuộc Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai, tiếng máy rền vang, ô tô chở vật liệu đá xây dựng vào ra tấp nập. Theo bảng thông báo giá bán vật liệu xây dựng của Công ty, giá các chủng loại đá đều thấp hơn ở các doanh nghiệp khác trên địa bàn từ 20.000-30.000 đồng/m3.
Anh Nguyễn Trọng Đồng, phụ trách bán hàng của Công ty cho biết, nếu mua hàng, khách hàng sẽ được khuyến mãi về khối lượng theo kiểu “mua 2 tặng 1”. “Chúng tôi chỉ tính khối lượng đá từ thành xe trở xuống, không tính từ thành xe trở lên. Xe chở 15 khối thì chúng tôi chỉ tính 10 khối, như vậy giá sẽ được giảm thêm 1/3...”, anh Đồng khẳng định.
Theo các doanh nghiệp kêu cứu, nếu Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai được cấp phép khai thác các loại đá xây dựng bình đẳng như những doanh nghiệp khác, thì việc họ bán sản phẩm với giá thấp hơn, có lợi cho người tiêu dùng là chuyện cạnh tranh bình thường trong kinh doanh, đáng khuyến khích. Đằng này, việc bán ra thị trường với giá thành thấp đến mức bất hợp lý là do lợi dụng những ưu đãi của Nhà nước về sản xuất xi măng để sản xuất đá xây dựng. Cụ thể, doanh nghiệp này được hưởng nguồn điện ổn định, địa bàn khai thác sản xuất rộng, vật liệu nổ được cấp không hạn chế, vốn vay với lãi suất thấp, cơ quan chức năng ít kiểm tra…, đặc biệt là nguồn tài nguyên đá được cấp phép để sản xuất xi măng có chất lượng cao.
Trước những bức xúc trên, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai cho rằng, trong vùng nguyên liệu, không phải đá chỗ nào cũng đảm bảo chất lượng để sản xuất xi măng, có những lớp, vỉa đá có hàm lượng magiê cao (gọi chung là đá phi nguyên liệu) phải thải hoặc tận dụng sản xuất đá xây dựng và đây là chỉ đạo của Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt.
“Với Công ty cổ phần xi măng Hoàng Mai, quan trọng nhất là làm sao đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi. Tôi quy định giá bán của tôi, còn chuyện giá đó thấp hay cao là do thị trường quyết định…”, ông Giang nói.
Việc ai bán đá và bán bao nhiêu, tất nhiên là do thị trường quyết định, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai có lợi dụng những ưu đãi để “làm khó” các doanh nghiệp sản xuất đá nguyên liệu trên cùng địa bàn hay không?
Theo ông Nguyễn Trọng Do, Trưởng phòng Kiểm định Vật liệu Xây dựng Sở Xây dựng Nghệ An, Sở mới nắm được sự việc qua đơn thư và đã yêu cầu Công ty cổ phần xi măng Hoàng Mai báo cáo. Ông Do cho rằng, việc Công ty cổ phần xi măng Hoàng Mai không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã thể hiện sự bất thường.
Các cán bộ phòng Khoáng sản của Sở này cũng khẳng định, không được phép khai thác đá xây dựng trong vùng nguyên liệu sản xuất xi măng. Trường hợp trong vùng nguyên liệu xi măng có những khu vực đá không đảm bảo chất lượng thì chỉ được khai thác khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Được biết, ngày 5/6, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế việc khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong vùng nguyên liệu xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.