Đoàn đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam dâng hương tại Đài tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến hy sinh
Ngày 18/7, trong khuôn khổ hội nghị sơ kết Công đoàn 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đoàn đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Namđã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm trên 100 chiến sĩ Nam tiến Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào ngày 01/12/1945.
Đoàn đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam dâng hương tại Đài tưởng niệm trên 100 chiến sĩ Nam tiến tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Ảnh: Trường Minh) |
Nơi đây là khuôn viên của hoa viên Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi các dân tộc Đắk Lắk thuộc số 5 đường Lê Duẩn, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột. Đây cũng là nơi đặt bia tưởng niệm “ĐỜI ĐỜI TƯỞNG NHỚ” trên 100 chiến sĩ Nam tiến - Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại đây (ngày 1/12/1945 tức ngày 27/10 năm Ất Dậu).
Các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. (Ảnh: Trường Minh) |
Địa điểm này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần quật khởi, kiên cường, anh dũng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của ông cha ta cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Sau khi nước ta giành độc lập, cuối tháng 11/1945, quân Pháp theo đường 14 đánh lên Tây Nguyên, tấn công Đắk Lắk, hòng đánh chiếm Tây Nguyên và Nam Kỳ. Lúc này, hàng nghìn người con ưu tú đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, hành quân Nam tiến, tiếp sức cho đồng bào miền Nam.
Mặc dù trời mưa nhưng không thể cản được các Công đoàn viên đến dâng hương tại Đài tưởng niệm. (Ảnh: Trường Minh) |
Công đoàn Công Thương Việt Nam tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ. (Ảnh: Trường Minh) |
Chi đội Nam Tiến là đơn vị giải phóng quân được thành lập đầu tiên tại thủ đô Hà Nội. Lực lượng chủ yếu là công nhân, thanh niên xung phong với tuổi đời chưa đến 30, làm việc ở các nhà máy, công xưởng, có nhiệm vụ vừa bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam sau ngày 02/9/1945, vừa huấn luyện cấp tốc để bổ sung lực lượng cán bộ cho miền Nam. Nhận nhiệm vụ, Chi đội Nam Tiến lên đường tiến vào Nam, sau một thời gian hành quân vất vả, vào khoảng 10 giờ ngày 01/12/1945, đoàn quân Nam tiến có mặt tại thị xã Buôn Ma Thuột và nghỉ chân tại đồn Bảo An binh (nay là Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột, tọa lạc tại số 05, đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột).
Các đại biểu Công đoàn Bộ Công Thương chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Trường Minh) |
Khoảng 15 giờ ngày 01/12/1945, thực dân Pháp đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, bắt đầu cho cuộc tái chiếm Đắk Lắk. Cuộc chiến đấu không được chuẩn bị trước của quân và dân Đắk Lắk đã diễn ra trên khắp mọi ngả đường, tuyến phố. Bằng mọi phương tiện, vũ khí có trong tay, quân dân ta đã ngoan cường chiến đấu chặn bước tiến của địch.
Gần 150 đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Trường Minh) |
Mặc dù bất ngờ song bằng mọi phương tiện, vũ khí có trong tay, quân dân ta đã ngoan cường chặn địch trên các ngả đường, tuyến phố, cố gắng làm chậm bước tiến của giặc. Nhiều chiến sĩ dân quân, tự vệ, cảnh sát và đồng bào đã hy sinh tại Cổng số 1, trước trụ sở UBND cách mạng tỉnh, Ngã Sáu, làng Lạc Giao… Hơn 100 chiến sĩ Nam tiến đã hy sinh tại đồn Bảo An binh (nay là số 5 đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột).
Sự kiện ngày 01/12/1945 là sự mất mát rất lớn, niềm thương tiếc vô hạn đối với cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Khâm phục trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, tấm gương anh dũng hy sinh của hơn 100 chiến sĩ Nam tiến và thương tiếc đồng bào làng Lạc Giao tử nạn, Nhân dân làng Lạc Giao đã lấy ngày 27/10 Âm lịch hằng năm làm Ngày Tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn. Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến được xây dựng ngay tại địa điểm mà các chiến sĩ đã hy sinh nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của người dân Đắk Lắk đối với những người con ưu tú của Tổ quốc.