Tại thủ đô Amman, đoàn đã làm việc với Bộ Công nghiệp và Thương mại Jordan, tiếp và làm việc với đoàn là ông Ammad Hammad, Vụ trưởng Vụ Chính sách ngoại thương và ông Ziad Ilawee, Trưởng phòng Thị trường châu Á.
Tại buổi tiếp, ông Ammad Hammad thông tin cho đoàn khái quát tình hình phát triển kinh tế của Jordan trong giai đoạn qua, thông báo với đoàn về các thỏa thuận thương mại mà Jordan đã và đang đàm phán ký kết như Hiệp định thương mại ưu đãi Jordan và Pakistan. Ông Ammad cũng bày tỏ việc Jordan mong muốn mở rộng thị trường hơn nữa sang các nước châu Á trong đó có Việt Nam.
Đoàn cũng trao đổi với phía bạn về một số biện pháp cụ thể về việc hai bên tăng cường trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách nhập khẩu, định kỳ hàng tháng trao đổi các thông tin thị trường và cơ hội nhập khẩu của nhau, hỗ trợ doanh nghiệp xâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường và tham dự các hội chợ triển lãm, trực tiếp tìm kiếm các cơ hội giao thương và tham dự hội thảo doanh nghiệp được tổ chức tại mỗi nước. Phía bạn hoàn toàn nhất trí với những nội dung đoàn nêu và nhất trí hai bên thường xuyên giữ kênh liên hệ giữa hai Bộ đối tác để mở rộng hợp tác chuyên ngành và hỗ trợ cho các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Làm việc với Phòng Thương mại Amman, ông Muhannad L. Attar, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Amman bày tỏ hết sức vui mừng được tiếp đón và làm việc với đoàn. Phòng Thương mại Amman gồm hơn 37.000 doanh nghiệp thành viên, từ lâu đã biết một số thông tin và mong muốn mở rộng quan hệ trao đổi thương mại với các đối tác Việt Nam nhưng do các kênh liên lạc còn chưa thực sự hiệu quả nên trao đổi thương mại giữa hai bên còn ở mức khiêm tốn.
Qua chuyến làm việc của đoàn, ông Muhannad đề xuất: (1) Đoàn hỗ trợ, kết nối để Phòng Thương mại Amman có thể trao đổi, ký kết MOU về hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; (2) Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp, hỗ trợ trong trường hợp phía Jordan tổ chức các đoàn giao thương sang Việt Nam; (3) Đề nghị phía Việt Nam sớm tổ chức đoàn giao thương sang tìm hiểu, tìm kiếm đối tác xuất nhập khẩu tại Jordan. Phòng Thương mại Amman sẽ tích cực hỗ trợ kể cả việc làm các thủ tục xin visa, bố trí phòng tổ chức hội thảo doanh nghiệp và mời các doanh nghiệp tại Jordan tham dự.
Đoàn công tác nhất trí với các nội dung phía bạn nêu, hoan nghênh việc phía Jordan tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam tham dự các hội chợ triển lãm thương mại và gặp gỡ giao thương tại các hội thảo doanh nghiệp và sẽ sẵn sàng tạo mọi thuận lợi cho các đoàn doanh nghiệp của phía bạn.
Jordan có dân số không nhiều nhưng là những thị trường mới ở Trung Đông, có nhiều triển vọng và tiềm năng nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam. Doanh nghiệp Jordan có khả năng thanh toán cao, ngày càng quan tâm tới hợp tác kinh doanh với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Do đặc thù sản xuất trong nước còn hạn chế nên thị trường này nhập khẩu hầu hết các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và nhu yếu phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thủy hải sản, nông sản các loại (hạt điều, chè, cà phê, hạt tiêu, rau quả, gạo...), vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và gia dụng các loại, giày dép, sản phẩm dệt may, v.v ... |