Doanh nghiệp Bình Dương cần chủ động xây dựng phương án sản xuất dài hơi
Tin hoạt động 27/08/2021 16:17
Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bình Dương |
Sáng 27/8, tại Bình Dương, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã kiểm tra hoạt động chống dịch và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" trên địa bàn tỉnh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham gia Đoàn công tác.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham gia Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác chống dịch sáng 27/8 |
Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam ở Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore II (VSIP II), TP. Thủ Dầu Một; Công ty Sanaky Việt Nam, Công ty sản xuất giấy bao bì Vina Kraft Paper tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát; Công ty Tôn Đông Á tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP. Dĩ An và Công ty gốm sứ Minh Long ở TP. Thuận An.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam cho biết, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, Công ty đã bố trí chỗ ăn ở cho hơn 700 cán bộ, công nhân (chiếm 80% tổng số công nhân). Hiện tại, Công ty cứ 1 tuần xét nghiệm 20% số công nhân đang làm việc. Mặc dù 70% số lao động là người ngoại tỉnh nhưng theo khảo sát của Công ty, toàn bộ công nhân đồng thuận việc sản xuất “3 tại chỗ”, không có công nhân nào bỏ về quê.
Đại diện một doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" báo cáo với Đoàn công tác những hoạt động đang thực hiện để phòng chống dịch và duy trì sản xuất |
Đối với Tôn Đông Á, doanh nghiệp này cũng duy trì sản xuất với 620 lao động (trong 800 lao động, chiếm 77,5%). Tình hình sản xuất của nhà máy tương đối ổn định, sản lượng đạt 65.000-68.000 tấn, công suất đạt 100%, chủ yếu là xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Năm nay, Công ty dự kiến đạt doanh thu 14.000 tỷ đồng, cao hơn mức 12.500 tỷ đồng của năm ngoái.
Tại Công ty sản xuất giấy bao bì Vina Kraft Paper tất cả lao động nghỉ việc, không tham gia “3 tại chỗ” đều được hưởng toàn bộ lương |
Trong khi đó, từ ngày 19/7, Công ty Sanaky bắt đầu “3 tại chỗ” với 550 người trong tổng số 1.000 lao động. Doanh nghiệp tổ chức ăn ở và làm việc riêng từng bộ phận, sinh hoạt với từng khung giờ khác nhau, đến nay không xảy ra lây nhiễm chéo. Nhờ đó, mặc dù dịch bệnh, phải thực hiện “3 tại chỗ” nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động khá tốt. Công nhân được hỗ trợ 1,75 triệu đồng.
Có 100% vốn nước ngoài (Thái Lan), lãnh đạo Công ty Vina Kraft Paper cho biết, tất cả lao động nghỉ việc, không tham gia “3 tại chỗ” đều được hưởng toàn bộ lương. Công nhân đi làm được hưởng trợ cấp 100.000 đồng/ngày. Một ngày, Công ty phải chi 100 triệu đồng lo tiền ăn uống cho công nhân. Lãnh đạo Công ty bày tỏ vui mừng khi tất cả công nhân đi làm đều đã được tiêm vaccine.
Riêng với Công ty Minh Long I, việc giữ an toàn cho vùng sản xuất được Minh Long I thực hiện tốt với 1.100 cán bộ, công nhân. Với sự đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng, công nghệ sản xuất đến nơi sinh hoạt khép kín nên đơn vị hoàn toàn chủ động thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, xuất khẩu, đồng thời bảo đảm tốt chế độ cho người lao động.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Minh Long 1 |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao mô hình "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, do đó ngay từ bây giờ chính quyên tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp cần phải xây dựng ngay các phương án sản xuất an toàn mang tính dài hơi hơn.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trao đổi về tình hình sản xuất, kinh doanh theo mô hình 3 tại chỗ mà doanh nghiệp đang thực hiện.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động có phát sinh vướng mắc thì doanh nghiệp cần chủ động đề xuất với địa phương, từ đó các cấp chính quyền có biện pháp, giải pháp kịp thời tháo gỡ hoặc kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết.
Là địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, hiện toàn tỉnh Bình Dương có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố. Đến nay có 406 doanh nghiệp có 3.715 ca F0 (phát hiện tại công ty 3.370 F0 và phát hiện tại các khu cách ly là 345 F0).
Do đó, để duy trì sản xuất, hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” với tổng số lao động 140.238 người.