Doanh nghiệp cần thận trọng khi giao dịch bằng email với đối tác nước ngoài |
Thủ đoạn mới
Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT) đưa ra cảnh báo sau khi tiếp nhận thông tin về DN Việt Nam bị lừa đảo tài chính trong quá trình giao dịch với đối tác tại nước ngoài.
Theo Cục TMĐT&CNTT, vài năm trở lại đây, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi với nhiều hình thức như: Sử dụng tin tặc thâm nhập địa chỉ thư điện tử của hai bên DN đang có giao dịch để đánh cắp thông tin, giả mạo nội dung giao dịch, nhằm yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Một trường hợp điển hình: DN tại TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua bán nguyên liệu hạt nhựa với đối tác tại Singapore. Hai bên là đối tác thường xuyên, đã nhiều lần thanh toán qua ngân hàng tại Singapore. Tháng 6 vừa qua, DN Việt Nam nhận được email từ đối tác Singapore thông báo lý do công ty đang bị kiểm toán, yêu cầu thanh toán qua tài khoản ngân hàng của DN đối tác tại Cộng hòa Séc (kèm theo là chứng từ ủy quyền). Hai ngày sau, DN Việt thực hiện chuyển tiền. Tuy nhiên, 1 tuần sau đó, DN Việt liên lạc với đối tác tại Singapore thì được biết, họ không có yêu cầu như vậy và cũng không có ngân hàng tại Cộng hòa Séc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục TMĐT&CNTT đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Séc để tư vấn cho DN, đồng thời đề nghị công ty này liên hệ với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tìm hướng giải quyết.
Liên quan đến vụ việc trên, Cục TMĐT&CNTT nhận định, các thông tin giao dịch của 2 bên qua thư điện tử đã bị đánh cắp. Ngay sau khi DN Việt Nam chuyển khoản, đối tượng đánh cắp đã tới ngân hàng và rút phần lớn số tiền.
Trên thực tế, tình trạng giả mạo email để lừa đảo không mới. Theo Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), năm 2015, Thương vụ ghi nhận 8 vụ việc DN Việt Nam bị lừa đảo và tham gia ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho DN gần 4 triệu USD.
Giải pháp hạn chế
Để hạn chế những sự việc tương tự xảy ra, Cục TMĐT&CNTT khuyến cáo: Khi giao dịch với đối tác nước ngoài, DN Việt Nam nên dùng email chính thức của công ty thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo… để tránh bị giả mạo hay gần giống email thật; chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên.
Luật sư Châu Huy Quang - điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT - cho rằng, lừa đảo trong hoạt động thương mại ngày càng phổ biến, nhất là lừa đảo qua email, khi DN thường xuyên sử dụng các phương thức giao dịch thương mại điện tử. Thủ đoạn gian lận, lừa đảo có thể xảy ra với nhiều hình thức khác nhau và DN cần có giải pháp đối phó thích hợp. Khi sự việc xảy ra, DN Việt Nam cần liên hệ ngay với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại để có được sự can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, nhờ đến sự trợ giúp của các cơ quan quản lý, đồng thời quan tâm đến vấn đề an ninh mạng để giảm thiệt hại cho chính mình.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT&CNTT: Bên cạnh liên lạc qua email, DN cần có những liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua điện thoại hay fax, nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng. |