CôngThương - Đại diện một công ty CTTC cho biết, mặc dù liên Bộ Công an, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP về hướng dẫn thu hồi xử lý tài sản cho thuê tài chính của các công ty CTTC, nhưng các doanh nghiệp thuê tài sản vẫn coi thường pháp luật khi cố tình chây ì không trả tài sản thuê và thanh toán tiền thuê cho công ty CTTC. Thậm chí, nhiều trường hợp khi đoàn thu hồi tài sản cho thuê đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã dùng nhiều hình thức “cổ điển” để ngăn cản như: Thả chó ra cắn, thuê đầu gấu côn đồ chiếm giữ tài sản trái phép...
Nan giải hơn là khi xử lý thu hồi tài sản cho thuê là tàu biển phải tốn rất nhiều khoản chi phí như: Các khoản nợ tồn đọng, đời sống quyền lợi của thuyền viên, phí neo đậu bến bãi… chưa kể đến việc nhiều chủ doanh nghiệp thả nổi tàu lênh đênh ngoài biển, hay bỏ tàu lại ở cảng nước ngoài. Nhiều công ty CTTC buộc phải xin ứng vốn từ công ty mẹ để đưa tài sản về xử lý.
“Bi hài hơn nữa là nhiều doanh nghiệp vẫn nhà cao cửa rộng, xe hạng sang đi, làm ăn vẫn có lãi nhưng đến kỳ thanh toán vẫn không thanh toán . Do vậy các công ty CTTC rơi vào tình trạng phí lại chồng phí, nợ lại chồng nợ”- đại diện một doanh nghiệp CTTC bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đàm Đức Long- Tổng Thư ký Hiệp hội CTTC- cho hay, khó khăn lớn nhất của các công ty CTTC hiện nay là việc thu hồi nợ và tài sản cho thuê do cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng tỉ lệ nợ xấu hiện nay chiếm tới 50% trên tổng dư nợ của một số công ty CTTC, thậm chí có công ty lên đến 90%.
Theo luật định, những trường hợp các doanh nghiệp cố tình không trả lại tài sản thuê, công ty CTTC có thể khởi kiện ra tòa. Đồng thời, việc thu hồi tài sản cho thuê được tiến hành dưới sự chứng kiến của bên thuê hoặc người được bên thuê giao quyền quản lý tài sản cho thuê và đại diện của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi có tài sản cho thuê, cụ thể là UBND, công an các cấp... Tuy nhiên các cơ quan này thường không nhiệt tình hỗ trợ, không áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong quá trình thu hồi tài sản cho thuê vì nhiều lý do khác nhau, vì vậy việc thi hành án để đòi nợ của các công ty CTTC gặp rất nhiều khó khăn.
“Quyền được thu hồi tài sản khi bên thuê vi phạm hợp đồng là vấn đề gây nhiều bàn cãi. Trên thực tế quyền này đôi khi rất khó thực hiện được vì bên thuê thường không chịu giao tài sản, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan thi hành pháp luật”- ông Long nói.
Doanh nghiệp thuê tài chính không trả tài sản thuê thì phải được coi là hành vi chiếm giữ tài sản trái phép và người chiếm giữ tài sản trái phép đó phải chịu trách nhiệm hình sự. |
Ông Long cho biết thêm, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định về CTTC và hoạt động của các công ty CTTC. Tuy nhiên, ngay cả sau khi có Nghị định, nếu có thông tư liên bộ mới hướng dẫn, thì ngoài những nội dung của Thông tư 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP đã có, cần bổ sung thêm hai nội dung: Các công ty CTTC thu hồi tài sản mà doanh nghiệp thuê tài chính không trả tài sản, thì phải được coi là hành vi chiếm giữ tài sản trái phép và người chiếm giữ tài sản trái phép đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan công an và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện cho công ty CTTC thu hồi tài sản. “Khi đó vấn đề thu hồi tài sản cho thuê để xử lý nợ xấu trong lĩnh vực CTTC mới được giải quyết triệt để”- ông Long nhấn mạnh.