Doanh nghiệp còn chưa “mặn mà” với công cụ tư vấn xuất khẩu nội khối ASEAN
Đó là chia sẻ của ông Paolo R.Vergano – Chuyên gia về thuận lợi hóa thương mại, dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN do EU tài trợ (ARISE Plus), tại hội thảo các giải pháp hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang thị trường ASEAN tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 25/9.
Ông Paolo R.Vergano trao đổi đổi với doanh nghiệp Đà Nẵng về việc tận dụng công cụ hỗ trợ trực tuyến Assist để giảm chi phí, giảm rủi ro pháp lý, tranh chấp thương mại khi xuất khẩu |
Ông Paolo R.Vergano cho biết, cổng thông tin trực tuyến assist.asean.org (Assist) là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tương tác trực tiếp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ các nước ASEAN để được tư vấn giải pháp cho khó khăn gặp phải khi trao đổi thương mại với các quốc gia ASEAN đó. “Assist là công cụ được thống nhất xây dựng bởi chính phủ Việt Nam và 9 quốc gia thành viên ASEAN còn lại, được tạo nên nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia nội khối ASEAN tương tác trực tiếp với các cơ quan hữu quan của quốc gia doanh nghiệp đó để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề về pháp lý, quy định, thủ tục của quốc gia, từ đó, thuận lợi hóa thương mại cho chính doanh nghiệp”, ông Paolo R.Vergano nói
Chuyên gia EU chia sẻ, Assist không phải là công vụ giải quyết tranh chấp mà là công cụ để tránh tranh chấp. Khi một doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa qua quốc gia khác, cụ thể ở đây là doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang 9 quốc gia thành viên còn lại của ASEAN, thì bắt buộc phải nắm vững được các quy định pháp lý cụ thể ở thị trường đó. Khi đó, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến Assist (assist.asean.org) để gửi đề nghị hỗ trợ thông tin.
“Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu một mặt hàng nông sản sang một thị trường thành viên của ASEAN mà chưa nắm được các tiêu chuẩn về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật ở quốc gia đó là bao nhiêu thì có thể thông qua Assist để cơ quan hữu quan quốc gia đó cung cấp hỗ trợ”, ông Paolo R.Vergano dẫn giải.
Mặc dù là công cụ hỗ trợ, tư vấn, kết nối miễn phí, xây dựng lên để phục vụ doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Paolo R.Vergano cho biết, có rất ít doanh nghiệp biết đến và sử dụng công cụ này. Qua 3 năm vận hành, Assist mới chỉ tiếp nhận và giải quyết 9 vụ việc. Lý giải về con số khiêm tốn này, theo ông Paolo R.Vergano thì nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự chủ động tìm kiếm cho mình một kênh hỗ trợ thông tin trực tuyến miễn phí để tìm hiểu thị trường xuất khẩu, mà họ chấp nhận trả phí để nhờ vào luật sư, nhờ bên thứ 3 tư vấn.
Nhưng, cũng có một số doanh nghiệp cho biết họ ngại sử dụng công cụ này. “Họ sợ nếu dụng Assist để phản bác lại một chủ trương, chính sách đến quốc gia nhập khẩu thì họ sẽ gặp khó khăn khi nhập khẩu vào quốc gia đó”, ông Paolo R.Vergano chia sẻ và cho biết, xuất phát từ lý do này, Assist đã bổ sung tính năng ẩn danh người dùng.
Nếu doanh nghiệp không muốn công khai thông tin thì có thể thông qua Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội doanh nghiệp… để gửi thông tin qua Assist để chính phủ quốc gia xuất khẩu tư vấn, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp cung cấp thông tin cho Assist được hoàn toàn bảo mật. Thông tin của doanh nghiệp chỉ được cung cấp cho Ban Thư ký ASEAN, Chính phủ quốc gia sở tại và Chính phủ quốc gia xuất khẩu.
Ngoài ra, từ ngày 1/5/2019, Assist đã được bổ sung tính năng tiếp nhận tư vấn trong lĩnh vực dịch vụ.
Một số doanh nghiệp cho biết họ ngại sử dụng Assist vì sợ sẽ bị gây khó khăn, số nhiều doanh nghiệp chưa biết đến Assist mà chấp nhận trả phí để tìm hiểu về pháp lý khi muốn xuất khẩu hàng hóa |
“Doanh nghiệp không bắt buộc phải dùng Assist, nhưng chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp hãy dùng, đó là công cụ miễn phí. Doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, giảm các rủi ro phát sinh tranh chấp hoặc vi phạm quy định, tiêu chuẩn thương mại hàng hóa ở quốc gia khác”, ông Paolo R.Vergano nói. Đồng thời mong muốn, ngoài coi Assist như là một công cụ hỗ trợ, thì doanh nghiệp có thể coi như đây là cổng tiếp nhận góp ý của doanh nghiệp Việt Nam đối với 9 quốc gia nội khối ASEAN còn lại về việc đề xuất, góp ý các chính sách thương mại, xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp thấy chưa hoặc không phù hợp. Từ đó, góp phần thuận lợi hóa thương mại, tăng trao đổi thương mại, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia ASEAN, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.