Mức độ nội địa hóa còn thấp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Thành phố Hà Nội (HANSIBA), Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), ước tính tình hình sản xuất các sản phẩm CNHT của doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như sau: Chế tạo ô tô mức độ nội địa hóa đạt khoảng 5-20%; điện tử 5-10%; dệt may, da giày khoảng 30%; CNHT cho công nghệ cao 1-2%...
Việt Nam đang phải nhập khẩu hàng chục tỷ USD linh kiện điện tử. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Theo ông Hoàng, đây là hạn chế rất lớn, dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD, riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Ông Nguyễn Hoàng cho hay, điều đáng mừng là Đảng, Nhà nước đã xác định rất đúng đắn chủ trương tập trung mọi nguồn lực để phát triển nhanh - mạnh ngành công nghiệp nói chung và CNHT Việt Nam nói riêng. Do đó, các cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành CNHT.
Tuy nhiên, khó khăn dành cho các doanh nghiệp vẫn còn, đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại diện các doanh nghiệp CNHT cho rằng, các doanh nghiệp FDI do nhiều yếu tố và vì lợi nhuận của các tập đoàn, nên việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế. Cùng với đó, nguồn các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ nhìn thấy khó khăn quá lớn khi tham gia vào các lĩnh vực CNHT...
Cần sớm xây dựng Luật CNHT
Với những vấn đề nêu trên, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp CNHT, vị Chủ tịch HANSIBA đã đề xuất lên các cơ quan quản lý 9 vấn đề. Cụ thể, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội ban hành trong thời gian nhanh nhất; thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp CNHT; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Vị này cũng cho rằng, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành CNHT, tránh lãng phí nguồn lực và cạnh tranh không cần thiết. Cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn bởi hiện các điều kiện vay vốn vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT.
Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam. Cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt chú trọng vào Nhật Bản) để có khả năng sản xuất, liên kết tham giá chuỗi sản xuất của Nhật Bản và toàn cầu.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Hoàng, việc kết nối các doanh nghiệp tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI này cũng đặt hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT.
Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng cũng nhấn mạnh về vấn đề khởi nghiệp, nên cần chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích các thanh niên Việt Nam đã học tập, làm việc tại các công ty, các quốc gia có nền CNHT phát triển để họ khởi nghiệp trở thành các doanh nhân – doanh nghiệp CNHT 100% Việt Nam.