Ảnh minh họa: internet
CôngThương - Các doanh nghiệp đang đứng trước hàng loạt khó khăn do nhiều loại nguyên liệu đầu vào và nhiên liệu phục vụ sản xuất, vận chuyển tăng giá. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Diệp Thành Kiệt, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về kim ngạch xuất khẩu da giày trong 2 tháng đầu năm 2011, nhưng kết quả xuất khẩu trong tháng 1 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Những doanh nghiệp sản xuất đế giày và một số nguyên phụ liệu khác cũng như doanh nghiệp gia công giày tiêu tốn điện năng hơn so với ngành may, vì vậy giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến cước vận chuyển sản phẩm da giày tăng theo vì hàng cồng kềnh hơn so với hàng dệt may, tốn nhiều công vận chuyển. Giá xăng, dầu, điện tăng không chỉ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp mà cả đời sống của người lao động, đặt doanh nghiệp đứng trước áp lực phải tăng lương để giữ lao động. Trong khi đó, giá nhiều loại nguyên liệu như da, cao su… đều tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của doanh nghiệp. Điều đáng quan tâm hơn là việc nhập khẩu nguyên liệu cũng không dễ vì các nhà cung ứng có xu hướng đóng cửa, chờ giá ổn định mới bán.
Đối với chênh lệch tỷ giá USD/VND, ông Kiệt cho rằng, doanh nghiệp nào sản xuất xuất khẩu thuần túy thì được lợi hơn một chút so với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành da giày đang đứng trước một khó khăn rất gay gắt, vì lãi suất ngân hàng không giảm mà có xu hướng tăng, có ngân hàng cho vay với lãi suất lên đến 16%, thậm chí 17%, làm hạn chế khả năng vay vốn của các doanh nghiệp.