Đại diện EuroCham cho rằng, các chính sách Việt Nam thực hiện để phục hồi kinh tế hậu Covid-19, không chỉ cần bảo vệ các doanh nghiệp nội địa, mà còn cần hỗ trợ cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, vì đây là những nhân tố có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và thương mại toàn cầu trở lại bình thường. Chính phủ cần cân nhắc ban hành gói hỗ trợ bổ sung nguồn lực cần thiết cho các doanh nghiệp, có thêm các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả khu vực tư nhân hồi phục sau khủng hoảng.
EuroCham cho biết, các doanh nghiệp thành viên rất quan tâm tới quá trình công bố các phán quyết hiện nay của tòa án Việt Nam, bao gồm việc công nhận án lệ như một trong những nguồn luật theo Luật Dân sự, quản lý bởi Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng thời, Việt Nam cần có ngay các nghị định hướng dẫn liên quan đến việc thực thi Luật Cạnh tranh, đặc biệt là yêu cầu công khai các quyết định của Hội đồng Cạnh tranh quốc gia.
Đối thoại cải cách thủ tục hành chính và công bố Sách Trắng 2020 của EuroCham |
Hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án cần giảm thiểu thời gian giải quyết tranh chấp, hướng dẫn các tòa án cấp dưới hạn chế can thiệp vào hoạt động tố tụng trọng tài. Áp dụng quyền kháng cáo quyết định của tòa án sơ thẩm về thẩm quyền của hội đồng trọng tài, hoặc hiệu lực của phán quyết trọng tài, góp phần làm cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam minh bạch, độc lập, phổ biến hơn. Chính sách về hòa giải thương mại nên được phát triển cho từng bên liên quan, nhằm khởi xướng các biện pháp cụ thể để phát triển hòa giải. Các quy định luật và thực tiễn cần thống nhất để tạo một khung pháp lý nhất quán, đơn giản, cung cấp một giải pháp khả thi cho các luật gia, cộng đồng doanh nghiệp và giới học giả.
Ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham: Một trong những yếu tố hàng đầu thực thi thành công EVFTA là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ về cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là lý do EuroCham xuất bản Sách Trắng 2020. Nếu Chính phủ Việt Nam xem xét, xử lý phù hợp các kiến nghị của EuroCham, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. |
Đối với mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, EuroCham khuyến nghị, Chính phủ tiếp tục giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh “có điều kiện”; bãi bỏ toàn bộ “kiểm tra nhu cầu kinh tế” đối với tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải xin “chấp thuận giao dịch M&A” trước khi tiến hành M&A với các doanh nghiệp tư nhân. Tăng tính rõ ràng và thống nhất của các thủ tục áp dụng cho các giao dịch M&A. Xóa bỏ phân biệt giữa các giao dịch “đầu tư trực tiếp” - “đầu tư gián tiếp”. Tạo điều kiện cho việc chuyển ngoại tệ ra vào Việt Nam dễ dàng hơn, bao gồm bối cảnh giao dịch M&A. Sửa thời hạn nộp tờ khai thuế cũng như nộp thuế đối với các giao dịch M&A thành “10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc đăng ký chuyển nhượng vốn với cơ quan cấp phép theo luật pháp liên quan”. Đảm bảo xử lý nhanh gọn các thủ tục miễn thuế cần thiết để thực hiện các giao dịch M&A và việc chuyển nhượng giá mua...
Sản xuất, kinh doanh đang từng bước phục hồi. Ảnh minh họa |
Liên quan đến chống độc quyền, theo EuroCham, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh phải rõ ràng và chính xác hơn về cách xác định “tập trung kinh tế” có xảy ra hay không, cách tính toán thị phần (để phân tích thị phần kết hợp) và xác định rõ thế nào là “thị trường liên quan”. Tất cả các khái niệm này phải được phân tích trên cơ sở của Luật Cạnh tranh mới...
Đối với lĩnh vực đối tác công - tư (PPP), EuroCham cho rằng, cần bổ sung danh mục mới các dự án trọng điểm quốc gia, làm rõ quy trình đấu thầu các dự án do nhà đầu tư đề xuất và quy trình chuyển đổi các dự án vốn nhà nước sang hình thức PPP, đấu thầu cạnh tranh, minh bạch. Xây dựng hệ thống lưu trữ quản lý hồ sơ chuẩn mực và cơ chế phân bổ rủi ro để đảm bảo lợi nhuận trên thị trường quốc tế. Triển khai nguồn vốn phát triển dự án PPP và áp dụng quy trình đánh giá nghiêm ngặt các dự án tiềm năng, thông qua các quy trình chọn lựa thống nhất với các tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng các bộ hồ sơ thầu đã được phê duyệt, bao gồm hợp đồng dự án có các mô hình phân bổ rủi ro được quốc tế công nhận, làm cơ sở đấu thầu để giảm thiểu nguy cơ chậm triển khai dự án. Xây dựng các dự án khả thi phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất, để giới thiệu các kinh nghiệm thực tiễn tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật PPP và văn bản sau luật phải làm rõ và hoàn tất các quy định hiện hành theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm gia tăng sự hấp dẫn của các dự án PPP đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là đưa ra một khuôn khổ rõ ràng cho các dự án PPP để hưởng lợi từ Quỹ Bù đắp tài chính (VGF), đảm bảo doanh thu tối thiểu và các biện pháp chia sẻ rủi ro. Hướng dẫn các dự án PPP, bao gồm thực hiện các quy định sẽ được ban hành sau khi ban hành Luật PPP, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, tập trung vào các yếu tố như mức độ khả dụng và giải ngân của VGF và các biện pháp hỗ trợ tín dụng...
Với lĩnh vực bất động sản, EuroCham khuyến nghị, ban hành quy định pháp luật về tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể về “căn hộ khách sạn”, “nhà ở khách sạn” và “văn phòng khách sạn”; quy định rõ thời hạn sử dụng đất; sửa đổi quy định pháp luật về phân loại và cơ chế sử dụng đất cho căn hộ có mục đích hỗn hợp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho căn hộ khách sạn, nhà ở khách sạn, văn phòng khách sạn. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư cần tạo điều kiện cho việc tinh giản thủ tục chấp thuận đầu tư theo hướng thống nhất một loại thủ tục: Chấp thuận chủ trương đầu tư...