Doanh nghiệp, hộ kinh doanh Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số cùng vai trò “đầu tàu” của cả nước, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh Hà Nội nỗ lực chuyển đổi số (Ảnh: Báo Hà Nội mới) |
Trong những kết quả tích cực bước đầu đạt được có thể thấy, chuyển đổi số đang tạo cú hích cho khu vực nông thôn Thủ đô đổi mới, phát triển…
Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ) Nguyễn Văn Quỳnh hồ hởi cho biết: "Làng có 153/627 hộ làm nghề cắt may quần áo, trung bình mỗi tháng đưa ra thị trường khoảng 2 triệu sản phẩm các loại, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng”.
Có được bước phát triển mạnh mẽ là nhờ các hộ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Với gia đình ông Nguyễn Văn Quỳnh, khoảng 3 năm gần đây, sản phẩm may mặc đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Kinh doanh trực tuyến hầu như không tốn chi phí, sản phẩm được bán trên toàn quốc, nên tiêu thụ rất tốt.
Tương tự, chủ xưởng sản xuất giày thể thao ở xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) Phạm Văn Phòng chia sẻ: “Sử dụng công nghệ số, nền tảng bán hàng trực tuyến giúp gia đình tôi đổi đời. Thay vì ngồi chờ khách đến mua hàng như trước đây, nay ngày nào nhà tôi cũng nhận được nhiều đơn hàng qua kênh bán hàng trực tuyến trên Zalo. Việc bán hàng online có sự tương tác cao, sản phẩm bán chạy đã mang lại cho gia đình tôi động lực để sản xuất tốt hơn”.
Nhắc tới chuyển đổi số, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Minh Công ở xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) cho hay: “Gia đình tôi chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế... Sản phẩm khá cồng kềnh, khó vận chuyển, nên chúng tôi rất ngại mang sản phẩm đi hội chợ quảng bá. Để tìm kiếm thị trường, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Người biết bảo người chưa biết, dần dần thành quen. Thông qua mạng internet, chúng tôi cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu gỗ, kiểu dáng, kích cỡ... với khách hàng, kết hợp giao hàng tận nơi. Nhờ đó, giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán”.
Chuyển đổi số đã, đang len lỏi vào từng gia đình ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Bây giờ, người dân chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể mua bán hàng hóa trực tuyến, sử dụng mạng xã hội Zalo kết nối cộng đồng, giải quyết thủ tục hành chính công... Kết quả này trước hết nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị cùng sự chủ động của người dân Thủ đô. Đặc biệt, khi thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo diện mạo mới cho nhiều vùng quê…