Doanh nghiệp lo lắng
Tăng lương tối thiểu - doanh nghiệp dệt may phải mất thêm chi phí không nhỏ |
Đâu là “mức sống tối thiểu”?
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương hiện tại mới bảo đảm được 80% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nghi ngờ về tính xác thực của con số này cùng việc hiểu thế nào là mức sống tối thiểu.
TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho rằng, tiêu chí về mức sống tối thiểu hiện chưa thuyết phục và khó có thể làm được vì nhu cầu sống tối thiểu là một biến số chứ không phải là hằng số để làm căn cứ tăng lương tối thiểu. Đồng quan điểm, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia và các ngành liên quan như Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Tổng cục Thống kê… thống nhất về xác định mức sống tối thiểu của người lao động.
Một đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, Việt Nam chỉ dựa vào thông số thực phẩm để tính nhu cầu tối thiểu (một trẻ em bằng 0,7 người lớn). Trong khi đó, theo cách tính của thế giới, nếu thêm các yếu tố phi lương thực, tỷ lệ phụ thuộc chỉ là 0,5. Điều đó có nghĩa là việc lương tối thiểu hiện nay đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu, chứ không phải chỉ là 80%.
Chi phí “đè” doanh nghiệp
Đại diện VCCI cho rằng, lương tối thiểu chỉ là một yếu tố tác động đến doanh nghiệp (DN). Các yếu tố khác “ăn theo” mới có ảnh hưởng lớn, như: Phí bảo hiểm xã hội, công đoàn... Ví dụ, lương tối thiểu vùng dù chỉ tăng vài phần trăm cũng khiến DN sử dụng nhiều lao động tăng thêm hàng chục tỷ đồng đóng phí bảo hiểm xã hội.
Là hai hiệp hội có số lao động lên đến hàng triệu người, trước khi Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức các phiên thương lượng để điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng Tiền lương quốc gia kiến nghị không tiến hành điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2017.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tiền lương và các khoản phí bảo hiểm xã hội, công đoàn hiện đã chiếm từ 72 - 78% giá gia công xuất khẩu (tùy DN). Các loại chi phí khác như khấu hao tài sản, phụ tùng thay thế, điện, nước, vận tải, lãi vay… từ 22 - 28%. Theo VASEP, bên cạnh việc tăng chi phí, các DN còn phải mất rất nhiều công sức tính toán, điều chỉnh mức phí, mức trích nộp cho người lao động.
Do đó, hai hiệp hội nêu trên đề xuất giữ nguyên mức lương tối thiểu như năm 2016, không tăng trong năm 2017, đồng thời giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 - 3 năm/lần.
Khối DN nước ngoài tại Việt Nam cũng bày tỏ nhiều quan ngại. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các cơ quan chức năng liên quan đến tăng lương tối thiểu vùng 2017. Hiệp hội này phân tích, những năm gần đây, Malaysia, Thái Lan, Philippines đang giữ nguyên mức lương tối thiểu, do ảnh hưởng của đồng tiền xuống giá, sự chênh lệch với Việt Nam cũng đang được thu hẹp lại. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị nên hoãn lộ trình tăng mức lương tối thiểu vùng đến năm 2018.
Hệ lụy khó lường
Những năm qua, Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng lương tối thiểu nhanh hơn năng suất lao động, thậm chí cao hơn cả Ấn Độ. Phân tích vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - nhìn nhận, phần đông người lao động hiện nay đã có mức thu nhập cao hơn lương tối thiểu. Giải pháp tăng lương tối thiểu chỉ có tác động tới những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu. “Việc điều chỉnh này có thể khiến một bộ phận người lao động có thu nhập thấp được nâng lên do tăng lương tối thiểu sẽ có tư tưởng ỷ lại, không chịu học hỏi, nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động, đồng thời làm giảm nhiệt huyết của lao động khác khi thu nhập bị cào bằng”- bà Huyền đánh giá. Trong khi đó, đại diện của Công ty Việt Thành thừa nhận, dù có tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2017 như phương án của Hội đồng Tiền lương quốc gia, người lao động của doanh nghiệp cũng không được hưởng, bởi mức lương thực nhận đã cao hơn mức lương tối thiểu.
Một hệ lụy khác đáng được chú ý là câu chuyện các nhà đầu tư rút khỏi Myanmar khi nước này tăng lương tối thiểu lên gấp đôi so với trước đó. Chi phí tăng, DN không mở rộng đầu tư sản xuất, thậm chí thua lỗ.
Phương án chốt lương tối thiểu vùng cho năm 2017 của Hội đồng Tiền lương quốc gia còn phải chờ Chính phủ quyết định, nếu đồng ý mới được phép áp dụng từ ngày 1/1/2017. |