CôngThương - Mất điểm vì nạn “chặt chém”
Ông Shighenmastsu Akifumi- Công ty Du lịch H.I.S Sông Hàn - chia sẻ, hiện mỗi tháng công ty đón 1.000 khách Nhật, nhưng số khách quay lại Việt Nam rất khiêm tốn. Lý do là khách Nhật Bản không hài lòng với cách giao tiếp, xử lý của các cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam. Nạn “chặt chém” của taxi, vệ sinh không đảm bảo, các sản phẩm du lịch nghèo nàn, giao thông không an toàn khiến khách Nhật lo ngại. Các tour sinh thái, văn hóa, từ thiện, lưu trú trải nghiệm vốn rất được khách Nhật ưa thích nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.
Sự hài lòng của khách Nhật đối với du lịch Việt hiện ở mức rất thấp. Vì vậy, mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Nhật vào năm 2015 là một thách thức rất lớn. Khách Nhật luôn yêu cầu chất lượng cao, xu hướng du lịch hiện đã thay đổi với phương châm rẻ, gần và ngắn ngày nên chỉ một số ít DN lữ hành mạnh mới tiếp cận được thị trường này. Bà Hồ Kim Dung - Phó giám đốc Công ty Kênh du lịch Việt - nhận định: Có được nguồn khách Nhật Bản là mong muốn của các DN lữ hành. Tuy nhiên, với DN nhỏ và vừa, việc tiếp cận được thị trường này rất khó khăn, do du khách Nhật chỉ đi tour của các công ty uy tín tại Nhật hoặc chi nhánh ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng truyền thông Vietravel - cho biết, mặc dù là bạn hàng truyền thống nhưng đối tác gửi khách đến đều đòi hỏi giảm giá. Năm 2011, lượng khách Nhật Bản tăng trưởng 21,8%, Vietravel đã phải giảm giá 10%. Năm 2012, phía đối tác cũng đòi giảm tiếp 10-15%. Việc giảm giá trong giai đoạn khó khăn hiện nay là bất lợi, nhưng để duy trì nguồn khách, DN vẫn phải chấp nhận.
Khó khăn khác của DN lữ hành là khách Nhật ít nói tiếng Anh, trong khi các DN lữ hành đều thiếu hướng dẫn viên (HDV) tiếng Nhật. Hiện số HDV tiếng Nhật của Việt Nam rất ít, chưa đầy 500 người. Đây chính là một trong những rào cản tiếp cận thị trường Nhật Bản của các DN lữ hành.
Chất lượng chuẩn “kéo” khách quay lại
Theo bà Saori Kozumi - Công ty Du lịch APEX- khách đến lần thứ nhất là do tò mò và quay lại lần thứ hai là do sự thoải mái. Vì vậy, thái độ thân thiện, chu đáo của những người tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, trong đó có HDV rất quan trọng. Đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - ông Fukui Yutassư - cho rằng, thành công trong việc thu hút nhiều khách Nhật của các điểm đến khác ở Đông Nam Á chính là kết quả của sự nỗ lực liên kết chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, cơ quan tổ chức hội nghị, ngành giao thông, hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng… Tất cả đã hợp thành một thể chế thống nhất để tạo ra sản phẩm du lịch thỏa mãn khách hàng. Chất lượng dịch vụ với ưu thế riêng biệt sẽ tạo sự hài lòng cho khách. Sự thành công chỉ đến khi truyền đạt sức hút của vùng, bởi người Nhật luôn yêu cầu chất lượng chuẩn.
Ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) - cho hay, hiện Tổng cục Du lịch đang có chiến dịch tăng cường quảng bá như: Lập website chuyên về xúc tiến du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật; giới thiệu, quảng bá những điểm đến tại Việt Nam; giới thiệu văn hóa, ẩm thực; duy trì và mở rộng các đường bay thẳng giữa hai quốc gia; đẩy mạnh đào tạo HDV tiếng Nhật, đội ngũ nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ khách; phối hợp liên ngành trong phát triển sản phẩm du lịch.
Năm 2013, Việt Nam sẽ có văn phòng xúc tiến du lịch tại Nhật Bản. Nhiều DN lữ hành kỳ vọng về sự kết nối thông tin thị trường Nhật sẽ thuận lợi hơn.
Năm 2011, số lượng du khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt 481.519 lượt người, tăng 8,9% so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2012, khách Nhật đến Việt Nam tăng 22,8%. |