Doanh nghiệp mạnh, an sinh xã hội sẽ tốt
Trẻ em Tây Bắc đã được học trong những ngôi trường mới |
Hệ lụy từ chính sách thu hút đầu tư
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, Tây Bắc được biết đến là vùng khó khăn nhất cả nước. Do đó để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các nơi khác. Sau hơn 30 năm đổi mới, bước tiến về kinh tế - xã hội còn rất nhỏ, toàn vùng vẫn còn khoảng 500.000 hộ nghèo. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và để giải quyết được cần có cách tiếp cận khác.
Sở dĩ Tây Bắc gặp khó khăn là do chính sách thu hút đầu tư chưa đúng trong cả thời gian dài. Nhiều lĩnh vực khi có sự tham gia đầu tư của DN đã gây ra những hệ lụy đáng kể, không những không hỗ trợ được người dân phát triển kinh tế mà còn mang đến cho họ nhiều hậu quả.
Cụ thể, lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, lâm sản đã làm tài nguyên cạn kiệt, mất đi hàng chục nghìn héc-ta rừng, đường giao thông vốn đã xấu càng xấu hơn. Ô nhiễm môi trường, nguồn nước sông bị cạn kiệt, tệ nạn xã hội tăng lên. Nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí khắc phục, giải quyết. Trong khi đó, cơ sở để giảm nghèo, an sinh xã hội chính là rừng, nước, giao thông, môi trường.
Nhiều ý kiến phản ánh, trong các chương trình kêu gọi thu hút đầu tư, hầu hết các địa phương đều nói rằng sẽ tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp nhưng lại “rải đinh dưới thảm đỏ” vì phải đáp ứng các điều kiện hỗ trợ an sinh, thủ tục rườm rà, vòng vèo tốn kém về chi phí thời gian khiến nhà đầu tư ngán ngẩm. Có khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh đã đi làm từ thiện. Mặc dù từ thiện rất tốt về mặt đạo đức nhưng chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu chính của doanh nghiệp phải là lợi nhuận. Doanh nghiệp phải mạnh thì mới làm tốt chính sách an sinh xã hội.
Đẩy mạnh chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp
Theo ông Thiên, muốn phát triển và nâng cao hiệu quả an sinh xã hội phải dựa vào doanh nghiệp, bởi lẽ các nguồn hỗ trợ từ nhà nước sẽ ngày càng khó khăn hơn. Nhưng muốn làm được điều này các địa phương vùng Tây Bắc phải có quan điểm, thái độ, tiếp cận các doanh nghiệp đầu tư khác trước. Phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và không nên đặt ra yêu cầu, điều kiện khi đầu tư là phải hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ về các cam kết đầu tư không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sinh kế của người dân.
Bên cạnh đó, cần thành lập một quỹ hỗ trợ an sinh xã hội của các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc. Cùng với hỗ trợ, đầu tư tín dụng của các ngân hàng thì quỹ này sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản cho phát triển, thậm chí hỗ trợ khẩn cấp đối với các vùng khó khăn.
Ông Thiều Kim Quỳnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ, khi áp dụng chính sách ưu đãi, nhà nước có thể chưa thu lợi trước mắt nhưng người dân được hưởng lợi thông qua việc có cơ sở hạ tầng tốt, có việc làm, thu nhập ổn định. Qua đó, đời sống vật chất tinh thần, dân trí được nâng lên, tạo động lực cho nhóm người yếu thế vươn lên thoát nghèo.
Một số chuyên gia cho rằng, vùng Tây Bắc đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là sự kết nối với thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Lào. Nhà nước cần tập trung đầu tư có trọng điểm, hình thành các khu trung chuyển hàng hóa, khu công nghiệp dịch vụ tại các vùng chuyên canh. Ví dụ như cụm phát triển kinh tế lâm nghiệp và đồ gỗ, cụm hỗ trợ phát triển sản phẩm chăn nuôi, cụm hỗ trợ sản xuất và phát triển dược liệu, cụm chế biến kinh doanh lúa gạo đặc sản... Các cụm này được kết nối bằng hệ thống giao thông thuận tiện, nhanh chóng vận chuyển hàng hóa lên biên giới và xuống đồng bằng...