Doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành
Phần vốn thoái sẽ được dùng làm nguồn lực kinh doanh |
Trên cơ sở thoái vốn năm 2014, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện thoái vốn đầu tư của các DNNN năm 2015, với tinh thần đẩy nhanh tiến độ, và xem xét điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn cho phù hợp với tình hình thực tế tại các DN. Tiến độ cụ thể trong quý I năm 2015 sẽ thoái vốn 856,1 tỷ đồng; quý II 1.162,2 tỷ đồng; quý III gần 1.236,3 tỷ đồng và quý IV thoái vốn gần 351,8 tỷ đồng.
Ông Trần Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết, với nhiệm vụ phải thoái hơn 665 tỷ đồng tổng số vốn nhà nước tại các đơn vị thành viên trong Tổng công ty, SATRA đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, cơ cấu lại bộ máy, thậm chí xóa sổ một số công ty con kinh doanh kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) thời gian qua thực hiện thoái vốn được hơn 250 tỷ đồng và sẽ tiến hành thoái vốn toàn bộ 31 DN.
Tuy nhiên tình hình kinh tế nhìn chung vẫn khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của DN như trong việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng và có khả năng khó bảo toàn được vốn. Công tác thoái vốn thật sự gặp nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, mức tăng trưởng của thị trường thấp và thiếu ổn định; trong khi đó nguồn cung cổ phiếu bán ra thị trường nhiều đã ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch thoái vốn của các tổng công ty.
Ngoài ra, nhiều quy định bất cập trong quá trình thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành như tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định bên nhận chuyển nhượng vốn nhà nước phải được Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận về vốn và năng lực tài chính. Trong khi đó, việc chuyển nhượng vốn là cổ phần phải thông qua sàn giao dịch chứng khoán nên chủ DN không thể xác định người mua có đủ năng lực tài chính và có được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hay không.
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 2/2015 đã có 10/14 tổng công ty, công ty mẹ - con thực hiện thoái vốn tại 43 DN được hơn 647 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành ở các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư... |
Nhiều DN có phần vốn nhà nước phải thoái vốn trong năm nay cho biết, thực tế đang còn vướng mắc trong khâu thẩm định giá trị DN do chưa thống nhất được giữa ban lãnh đạo công ty và đơn vị tư vấn về những tài sản hữu hình và vô hình của DN dẫn đến không xác định đúng giá trị DN.
Theo TS. Trần Du Lịch, trong bối cảnh năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như khu vực cộng đồng chung ASEAN được hình thành sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh cho các DN ngày càng gay gắt hơn. Chính vì vậy, các DNNN trong diện phải cổ phần hóa cần phải xác định hoạt động đầu tư cốt lõi, nhanh chóng định giá thương hiệu, chọn được các nhà đầu tư chiến lược, sao cho sau khi cổ phần hóa, thương hiệu của DN ngày càng được giữ vững.
Ông Lê Mạnh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh- cho biết, phần vốn thu được do việc thoái vốn tại các DN được sử dụng để tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh, các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của DN; tập trung vào đổi mới công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý của DN. Đây là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong bối cảnh hội nhập.