Họp “Liên lạc về thực phẩm” giữa đại diện cơ quan ban ngành Việt Nam và DN Nhật Bản |
Theo báo cáo của Jetro tổng hợp từ các DN Nhật Bản cho thấy thực tế từ khi xin phép nhập khẩu đến khi được cấp phép nhập khẩu cần tối thiểu 5 ngày làm việc, sau đó bắt đầu thủ tục và tiến hành các thủ tục cho đến khi nhà nhập khẩu nhận được thực phẩm có nguồn gốc động vật thông thường sẽ mất thêm chừng đó thời gian, hoặc 10 ngày. Như vậy, để thực phẩm đến tay nhà nhập khẩu sẽ mất khoảng 2 tuần. So với thủ tục của Nhật và các nước khác thì thời gian này có thể nói khá dài.
Khoảng thời gian 2 tuần này là một trong những nguyên nhân làm giá bán thực phẩm có nguồn gốc động vật tăng cao do cần thêm chi phí bảo quản, thời gian bảo quản lâu sẽ gây ra các vấn đề như chất lượng thực phẩm xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, đối với những sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu lần đầu tiên vào Việt Nam, khi thực hiện thủ tục xin phép nhập khẩu nêu trên còn cần phải nộp bản sao giấy chứng nhận kiểm dịch được phát hành 1- 2 ngày trước khi nhập khẩu của nước xuất khẩu, do vậy buộc phải xin phép nhập khẩu ngay trước khi xuất khẩu sản phẩm.
Trước các vấn đề vướng mắc này của DN Nhật Bản, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết từ cuối năm 2014 Cục đã triển khai đăng ký khai báo sản phẩm theo phương thức trực tuyến, DN không phải tới cơ quan để nộp hồ sơ mà có thể nộp qua mạng. Khi nhập hồ sơ xong, nếu hồ sơ hợp lý thì DN sẽ được báo thời hạn cấp, thời điểm này được tự động ghi trên mạng. Ngoài ra, trong quá trình xét duyệt hồ sơ sẽ xuất hiện tên người xét duyệt, DN biết được tên chuyên viên phụ trách hồ sơ của mình để có phản hồi, liên lạc. Việc nộp phí cũng được thực hiện qua mạng nên có thể nói toàn bộ quy trình đều không có sự tiếp xúc giữa chuyên viên và DN nên không phát sinh tiêu cực.
Về phản ánh dịch vụ đăng ký trực tuyến chưa truyền thông rộng rãi để DN biết, ông Long thông tin chỉ riêng năm 2015 đã có hơn 30.000 hồ sơ được duyệt thông qua cách thức trực tuyến. Ngay từ đầu, khi triển khai Cục cũng đã có đăng tải thông tin trên website của ngành và thông tin trên đài truyền hình quốc gia.
Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản mong muốn các thủ tục liên quan đến nhập khẩu sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật được linh động hơn, có thể thừa nhận kết quả kiểm tra tương tự ở Nhật Bản, áp dụng cách thức kiểm tra rủi ro để tiết kiệm thời gian thông quan đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hoá nhập khẩu.
Trước các đề xuất của DN Nhật Bản, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ xem xét một cách nghiêm túc các ý kiến để tạo thuận lợi cho DN nhưng các bước kiểm tra này là cần thiết nhằm giúp bảo vệ được nền nông nghiệp trong nước xanh sạch, an toàn và cũng đảm bảo DN tuân thủ đúng pháp luật.
Ngoài ra, các DN Nhật Bản cũng kiến nghị về quy chế lưu thông xe tải trong nội đô TP. Hồ Chí Minh theo múi giờ. Một số trường hợp ngoại lệ như tải nhẹ vận chuyển thực phẩm tươi sống tới các trung tâm xã hội, trường học, bệnh viện, siêu thị, hoặc khu công nghiệp được phép vào khu vực chỉ định trong nội đô cả ngày lẫn đêm. Xe tải nặng vận chuyển thực phẩm tươi sống được phép vào khu vực chỉ định trong nội đô từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Điều đặc biệt là trên thực tế, ngoại lệ trên được áp dụng chủ yếu cho những xe vận chuyển hàng hóa mà điểm xuất phát và điểm đến là sân bay, còn đối với những trường hợp khác, cho dù có nội dung vận chuyển trùng khớp với quy định thì vẫn không được chấp thuận.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết tất cả các thông tin về thời gian, tuyến đường giới hạn giao thông trong giờ cao điểm có trên trang Web của Sở. Ngoài ra, Sở cũng có thể gửi email trực tiếp đến DN bản đồ các tuyến đường hạn chế lưu thông để DN nắm rõ. Vấn nạn kẹt xe từ lâu vẫn là bài toán nan giải của TP.Hồ Chí Minh và hiện TP cũng đang tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ bớt khó khăn này nhằm tạo điều thuận lợi cho người dân và DN.
Ông Yasuzumi Hirotaka - Trưởng đại diện JETRO tại TP.Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đầu tư, kinh doanh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Vì thế đối với các nhà đầu tư cũng cần phải nắm rõ các quy định, quy trình, luật định… để có thể vận dụng vào quá trình đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả nhất.