Áp dụng công nghệ mới tại Công ty cơ khí và khí công nghiệp Việt Vương.
CôngThương - Những tín hiệu đáng mừng
Đến nay, nước ta đã hình thành một số mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, đó là: mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học (tại Đại học Bách khoa Hà Nội; ĐHQG TP. Hồ Chí Minh); mô hình vườn ươm thuộc doanh nghiệp (tại Tập đoàn FPT; Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc...). Gần đây nhất, với chức năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, Viện Ứng dụng công nghệ đã được lựa chọn là đơn vị xây dựng cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại Hà Nội. Qua đó 5 lĩnh vực được chọn để ươm tạo gồm: công nghệ y sinh; công nghệ môi trường; quang điện tử ứng dụng; công nghệ thông tin; công nghệ vật liệu mới
“Thị trường” vườn ươm doanh nghiệp của Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư, quan tâm, rót vốn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG, DFJ, Vinacapital... đang tăng vốn đầu tư và đẩy mạnh việc tìm kiếm doanh nghiệp để đầu tư. Các tập đoàn như: FPT, HiPT… cũng đang bắt đầu tìm đến nguồn ươm tạo với mục đích chung sức phát triển DNNVV thành doanh nghiệp công nghệ lớn. Bên cạnh đó, Luật Công nghệ cao thực thi được 2 năm, đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực: mua bán, sáng chế, hợp tác… trong lĩnh vực KH - CN. Tất cả những tín hiệu tích cực đó sẽ giúp cho các vườn ươm doanh nghiệp khởi động và lạc quan hơn trong thời gian tới.
Con đường ngắn nhất để phát triển bền vững
Ông Phạm Minh Tuấn (Ủy viên Ban chỉ đạo Mạng lưới ươm tạo doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương - APIN) khẳng định: hỗ trợ DNNVV phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Con đường ngắn nhất để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững chính là chuyển giao và ứng dụng KH - CN trong sản xuất.
Được biết, theo Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp được hỗ trợ trong các lĩnh vực: ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp và quảng cáo sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ; hỗ trợ việc hình thành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH-CN; nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm mới… Đây thực sự là động lực thúc đẩy vườn ươm của doanh nghiệp.
Theo ông Peter Moors, Tổng Vụ trưởng Hợp tác Phát triển Vương quốc Bỉ, việc phát triển vườn ươm doanh nghiệp cần thể hiện được tính mới và cần thiết trong quá trình xây dựng các doanh nghiệp KH-CN tại Việt Nam. Cũng theo ông Peter Moors, trong Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ Bỉ sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý cho vườn ươm doanh nghiệp KH-CN. Đồng thời thực hiện thí điểm việc ươm tạo doanh nghiệp KH - CN của các nhà khoa học hoặc nhóm nghiên cứu tiềm năng.