Ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (thứ hai từ phải sang) chủ trì hội nghị |
Đầu tư vào nông nghiệp chiếm dưới 1%
Theo ông Lại Xuân Môn, hiện cả nước có hơn 600.000 DN, nhưng số DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn mới dừng ở con số 4.424 DN, chiếm chưa tới 1%. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nhân, DN đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Cũng theo ông Lại Xuân Môn, nông nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển, nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát dẫn đến khủng hoảng thừa, một số nông sản phải chung tay giải cứu thời gian qua nhưng vẫn không hiệu quả. Trong khi đó, các DN nông nghiệp chủ yếu vẫn là thu mua gom nông sản để kinh doanh, xuất khẩu thô, giá trị thấp, chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chưa tạo ra sự liên kết và những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi… Do vậy thu nhập của cả nông dân lẫn DN đều chưa ổn định.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nông dân và DN nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín, mang lại lợi ích cho cả 2 bên và vì một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, ông Lại Xuân Môn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong khi dư địa để phát triển nông nghiệp ở nước ta rất lớn mà các DN hiện nay lại không mấy mặn mà khi tham gia vào lĩnh vực này; Làm thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị nông sản; dự báo định hướng thị trường cho nông dân sản xuất...
Giải quyết điểm nghẽn, nút thắt để phát triển
Theo ông Trần Mạnh Báo- Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed), Việt Nam có 3 lợi thế mạnh. Đó là nông nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực. Nông nghiệp có thế mạnh, là lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập, nhưng hiện nay lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân đó là mối liên kết giữa "các nhà" chưa hiệu quả, trong đó có mối liên kết giữa nông dân và DN.
"Mối liên kết này thời gian qua lỏng lẻo, tình trạng nông dân bỏ hợp đồng với DN diễn ra liên tục. Để mối liên kết này chặt chẽ thì DN phải hợp tác thông qua 1 pháp nhân đại diện, đó là hợp tác xã. Mặc dù có sự chuyển đổi hợp tác xã theo luật mới năm 2012, nhưng hầu hết vẫn là "bình mới rượu cũ". Các hợp tác xã vẫn hoạt động èo uột, thiếu vốn, trình độ quản lý thấp..." - ông Báo nói.
Để nông dân khấm khá được từ làm nông nghiệp, bám trụ nông thôn, ông Báo kiến nghị, chúng ta phải có hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác mạnh. Hội Nông dân Việt Nam cần có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ hình thành những loại hình kinh tế tập thể tiên tiến như vậy.... Bên cạnh đó, Nhà nước cần tháo gỡ các chính sách về thuế, đất đai, bảo hiểm nông nghiệp.
Về phía nông dân, ông Nguyễn Văn Toàn - đại diện Hội Nông dân Hà Nội - cho biết, nhà nước phải có định hướng phát triển DN và nông dân. Ví dụ, cho thuê đất trang trại 5 năm thì không thể làm được, vì chưa làm xong đã phải trả đất. Bên cạnh đó, cần ưu tiên về tín dụng cho nông dân. Đặc biệt, nông dân sản xuất không biết bán cho ai, đó là điều khó khăn nhất với đa số nông dân hiện nay.
Ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh, để giải quyết điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất là liên kết nông dân với DN. Trong đó, DN sẽ giúp người nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị thì mới tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và đại diện Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) ký kết phối hợp thực hiện chương trình "Vingroup đồng hành, hỗ trợ 1.000 hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn" |
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức đã tiến hành lễ ký kết Chương trình hợp tác, phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với nhiều DN trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, hình thành chuỗi nông sản an toàn, cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm...
Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp. Năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh không thua kém các nước trên thế giới nếu chúng ta liên kết chặt chẽ “4 nhà”, đặc biệt là giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. |