DN đối thoại với ngành bảo hiểm để giải quyết những vướng mắc liên quan đến các loại bảo hiểm |
Theo phản ánh của các DN, việc liên lạc với cơ quan BHXH ở các quận huyện nơi DN trú đóng để hỏi các thắc mắc rất khó khăn vì không có người trực điện thoại trả lời, gọi rất nhiều lần nhưng chỉ vài ba lần nghe máy. Việc tiếp nhận, giải đáp thông tin của các nhân viên trực tổng đài cũng không đúng chuẩn mực, giải đáp thắc mắc chẳng đi đến đâu... Cổng giao dịch điện tử của BHXH là kênh giúp các DN tiết kiệm thời gian, giảm bớt phiền hà để giải quyết những vướng mắc liên quan đến BH nhưng đến nay việc triển khai chưa được triệt để, mới chỉ có cấp số thẻ và thu tiền BHXH qua giao dịch điện tử.
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM - giải thích, các nhân viên chịu áp lực công việc do quá tải, và các DN muốn có giải đáp thì phải gọi đến các phòng ban của BHXH thành phố. Việc triển khai giao dịch điện tử phải làm từng bước, phụ thuộc vào cấp trên là BHXH Việt Nam, hiện BHXH Việt Nam đang có đề án tiếp theo là giải quyết ốm đau, thai sản cho người đóng BHXH qua cổng điện tử.
Tuy nhiên giải đáp này chưa được thỏa đáng, vì các DN làm việc trực tiếp với BHXH cấp quận trên địa bàn họ đóng, hồ sơ giấy tờ của họ kê khai ở BHXH cấp quận. Họ cho rằng nếu gọi điện lên các phòng ban của BHXH thành phố thì sẽ lại bị đẩy về cấp quận huyện tiếp nhận giải quyết.
Ngoài ra, các vấn đề như mất sổ BHXH làm lại rất lâu, công ty cũ không kết sổ BHXH cho người lao động khiến họ chịu thiệt thòi, có người có tới 2-3 cuốn sổ BHXH… những vướng mắc liên quan đến bảo hiểm này gây nhiều mệt mỏi cho người lao động lẫn DN thuê mướn lao động. Nhưng theo đại diện BHXH TP.HCM, việc này còn vướng mắc khá nhiều là do BHXH Việt Nam chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu phù hợp với công tác quản lý nên gây ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng.
Liên quan đến BHYT, nhiều DN cũng than phiền về chất lượng thẻ BHYT rất kém, in nhòe, mờ tên, gây khó khăn cho người sử dụng. DN cũng nêu lên trường hợp người lao động có thẻ BHYT đã 10 năm, rất ít sử dụng nhưng khi bị tai nạn lao động phải đi cấp cứu trình thẻ ra thì bệnh viện không giải quyết vì thẻ in chữ quá mờ, không hiển thị rõ thông tin...
Giải thích về việc này, đại diện BHXH TP.HCM nói phôi thẻ là từ BHXH Việt Nam chuyển xuống cho BHXH các địa phương, chất lượng phôi thẻ ra sao là việc của BHXH Việt Nam quyết định, họ sẽ kiến nghị việc này lên BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các thẻ BHYT ngoài tên và số thẻ thì đều có mã QR in ngay trên thẻ, chỉ cần đưa máy đọc mã QR này là có đủ thông tin người tham gia BHYT, không lẽ cả mã QR cũng bị in mờ đến mức máy không đọc được, hay một số bệnh viện chưa được trang bị máy đọc mã, hay cơ sở dữ liệu của BHYT chưa đầy đủ...