Theo Bộ Công Thương, so với năm 2022, tại kỳ xét chọn lần thứ 9 năm 2024, cả nước đã có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, năm nay có nhiều thương hiệu lớn, uy tín trong nước và quốc tế lần đầu tham gia. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp.
Chiều 28/10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin Lễ công bố sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam lần 9 năm 2024. Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong.
190 doanh nghiệp có 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ảnh Q.D |
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ: "Tại kỳ xét chọn thương hiệu quốc gia lần thứ 9 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trên cả nước. Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. So với năm 2022, năm nay cả nước đã có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam".
Vinh dự là doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Miền Bắc Cty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cho biết công ty vô cùng vinh dự lần thứ 4 liên tiếp có 4 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia: Yến sào Khánh Hòa; Nước yến sào Khánh Hòa Sanest; Nước yến sào và tinh chất yến sào Sanvinest Khánh Hòa; Yến sào Sanvinest Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Miền Bắc Cty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Ảnh Phương Cúc |
“Công ty Yến sào Khánh Hòa tự hào là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, mang đến những sản phẩm yến sào chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Thắng nhấn mạnh.
Để tiếp tục nâng tầm giá trị Yến sào Khánh Hoàn trở thành sản vật đẳng cấp, giá trị cao, xứng danh là Thương hiệu Quốc gia, ông Thắng cho biết, trong thời gian tới, công ty đã triển khai nhiều phương án.
Thứ nhất, chú trọng công tác bảo tồn và phát triển quần thể đàn chim yến đảo thiên nhiên, phát triển các sản phẩm từ nguồn yến sào đảo yến thiên nhiên phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng mang thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Sanest, Sanvinest.
Thứ hai, thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp tỉnh chuyên ngành chim yến và những ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần phát triển bền vững.
Thứ ba, tăng tỷ trọng xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm yến sào đặc biệt là thị trường Trung Quốc và thị trường các nước Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Nhật Bản... góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh nhà. Tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên công ty luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; góp phần tăng nhanh quần thể chim yến tại Việt Nam, đưa ngành công nghiệp yến sào lên tầm cao mới, thực hiện chiến lược phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu Yến sào Khánh Hòa đáp ứng các tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới Sáng Tạo – Năng lực tiên phong" xứng danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Chia sẻ về chủ đề năm nay, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhấn mạnh “chuyển đổi xanh, chuyển đổi số” gần như trở thành một yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… chứ không còn là một tùy chọn như trước: “Nếu doanh nghiệp không chủ động thích ứng kịp thời với kinh tế thế giới, những quy định như CBAM, EUDR… sẽ ngăn doanh nghiệp chúng ta tham gia vào chuỗi cung toàn cầu”.
Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia phải có yếu tố tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, nhất là với những yêu cầu mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. “Việt Nam có thể vươn mình hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta tập trung tốt cơ hội để có thể chuyển đổi nhanh sang xanh, sang số”, ông Phú nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại hy vọng những doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực của mình, góp phần giúp đất nước tiến vào kỷ nguyên xanh, tăng trưởng xanh.
Do đó, nếu không đáp ứng được những “tiêu chuẩn xanh”, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt hại. Đơn cử là một số doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã mất nhiều đơn hàng vì chưa đáp ứng được yêu cầu “xanh” của EU, Hoa Kỳ.
Vì vậy, xu thế tiêu dùng đang thay đổi, ngoài chất lượng, thị trường nhập khẩu còn đòi hỏi các yếu tố như phát triển bền vững, sử dụng nguồn lao động đúng độ tuổi… Đó là điều mà doanh nghiệp chưa thể thích nghi trong một sớm một chiều.
Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 04/11/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.