Doanh nghiệp thủy sản: Thừa đơn hàng nhưng thiếu lao động
Khó tìm lao động
Tín hiệu thị trường tốt, đơn hàng đã kín đến hết quý II/2022 nhưng Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) đang đứng trước thách thức về nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Cafatex, hiện lượng lao động tại công ty không đủ để thực hiện các đơn hàng. “Để đáp ứng kịp tiến độ đơn hàng, công ty đang tuyển thêm 300 – 500 lao động, nhưng hiện nay việc tuyển dụng vô cùng khó khăn”, ông Kịch cho biết.
Lao động trong các nhà máy thủy sản đang thiếu hụt |
Tương tự, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho biết, quý I/2022 hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp đã phục hồi tới 90% so với thời điểm trước dịch. Ngoài thị trường Trung Quốc gặp khó do theo đuổi chính sách “Zero Covid”, các thị trường còn lại như EU, Mỹ... đều tăng trưởng tốt với mức tăng tới 30%, đặc biệt giá các sản phẩm cũng tăng cao. “Hiện mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 200 container hàng cho các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU... do nhu cầu thế giới tăng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau thời gian dài cầm chừng vì ảnh hưởng dịch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc thiếu hụt lao động”, ông Văn chia sẻ.
Lý giải về nguyên nhân khó tuyển lao động, ông Văn cho rằng, hiện hoạt động sản xuất tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.... đã phục hồi trở lại. Do đó lượng lớn lao động tại địa phương lại tiếp tục quay về thành phố. Ngoài ra, điều kiện làm việc trong ngành thủy sản có đặc thù là đứng nhiều, môi trường nhiệt độ thấp... nên khá vất vả so với các ngành khác. Trong khi đó, tại địa phương các doanh nghiệp thủy sản cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động.
“Hiện các địa phương đều có khu công nghiệp với nhiều nhà máy dệt may, da giày... do đó người lao động có nhiều lựa chọn. Cùng với đó, nhiều lao động đã chuyển ngành nghề khác khiến việc tuyển dụng càng khó khăn hơn”- ông Văn cho biết thêm.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý II này sẽ tiếp tục tăng. Trong đó chỉ riêng cá tra có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ 2021. Do vậy nhu cầu về lao động sẽ tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới.
Hiện đại hóa sản xuất để giảm thâm hụt lao động
Theo VASEP, trước tình trạng thiếu hụt lao động, doanh nghiệp đang phải tìm cách thích ứng, trong đó có giải pháp lương, đồng thời tăng tự động hóa. Chẳng hạn với Công ty Thủy sản Trường Giang, ông Văn cho biết, công ty đã thay thế một số khâu bằng máy móc hiện đại như ở khâu phân loại cá, trước đây công nhân phải phân loại bằng tay thì hiện nay đã có những máy móc thay thế. Ngoài ra, các loại băng chuyền chuyên dụng được công ty đầu tư cũng đã nâng cao hiệu suất để thay thế việc làm của công nhân trước đây.
Theo ông Văn, một số công đoạn như phi lê, rửa cá, định hình thì chưa thể sử dụng máy móc, do đó công nhân vẫn thực hiện bằng tay. Tuy nhiên với các công đoạn khác như cân đong, phân loại, đóng gói... công ty đang đầu tư lắp đặt, thay thế hệ thống máy móc để giảm bớt nhân công, nâng cao năng suất. “Với sự hiện đại hóa các trang thiết bị đưa vào sản xuất, điều mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp là nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường; đồng thời củng cố chiến lược kinh doanh lâu dài của công ty đối với các mặt hàng cá tra xuất khẩu. Dự kiến trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ nâng doanh thu lên mức cao hơn 10 - 15% so với những năm trước, góp phần cải thiện thu nhập của công nhân”, ông Văn kỳ vọng.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Tiền Giang), Công ty Cổ phần XNK Cà Mau (Cà Mau)… cũng cho biết, với những khâu có thể giảm phụ thuộc lao động đều được doanh nghiệp sử dụng máy móc để thay thế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp thủy sản còn tăng các chế độ đãi ngộ cho lao động như tăng lương, tăng trợ cấp… cho công nhân. Theo các doanh nghiệp, chỉ khi người lao động có thu nhập đảm bảo trang trải cuộc sống họ mới họ yên tâm gắn bó và làm việc hiệu quả hơn.