Thị trường lao động Hà Nội đã phải đối diện với những khó khăn như thế nào trong bối cảnh tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, thưa ông?
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã hưởng tiêu cực đến thị trường lao động cả nước nói chung, trong đó thị trường lao động Hà Nội cũng không ngoại lệ. Trong nhiều tháng thực hiện giãn cách, thị trường phải đối mặt với tình trạng gián đoạn kết nối cung - cầu và nguy cơ mất cân đối cung - cầu trong một số phân khúc, lĩnh vực hoạt động.
Ông Vũ Quang Thành - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Sau đợt giãn cách vừa rồi, nhiều dịch vụ đã được nới lỏng hoạt động trở lại, gắn liền với đó là nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, diễn biến phức tạp nên kế hoạch mở cửa trở lại của doanh nghiệp và hộ kinh doanh tương đối cầm chừng. Vì vậy, hoạt động tuyển dụng cũng cầm chừng.
Khó khăn nữa là một bộ phận lao động trước, trong và sau giãn cách đã có sự dịch chuyển về các địa phương hoặc vùng lân cận, gây ra thiếu hụt nhân lực ở một số lĩnh vực, ngành nghề sau khi doanh nghiệp trở lại phục hồi sản xuất sau giãn cách.
Hiện nay, số lượng lao động tạm thời mất việc làm hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh, trong đó nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được nhân lực. Theo ông, nguyên nhân nào khiến “cung” - “cầu” chưa cân bằng?
Tính đến thời điểm này, qua công tác tiếp nhận lao động đến đăng ký hoặc trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm cho thấy, số lượng lao động đến đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp giảm so với năm 2020, khoảng trên dưới 20%. 9 tháng của năm 2021 ước tính khoảng 51.000 người đến đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, con số này giảm so với cùng kỳ năm trước là 66.000 người.
Ở các tỉnh khác, sự bùng phát lây lan của dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng trên địa bàn Hà Nội các doanh nghiệp đã chủ động hơn nhiều trong hoạt động vừa phòng, chống dịch vừa giữ người lao động, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong vai trò cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã có những giải pháp hỗ trợ thiết thực nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường?
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi tiếp tục tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên toàn bộ hệ thống là 15 đầu điểm sàn giao dịch việc làm đặt tại 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Các điểm sàn giao dịch việc làm này đều đồng bộ hoạt động và tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động về phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như kết nối tuyển dụng.
9 tháng năm 2021, khoảng 51.000 người đến đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp |
Trong đợt thực hiện giãn cách, chúng tôi chuyển sang hình thức cung cấp và cung ứng thông tin thị trường lao động cho doanh nghiệp. Từ cơ sở dữ liệu thu thập được, chúng tôi chắp nối và cung cấp cho doanh nghiệp, người lao động thông qua hình thức mail, zalo, ứng dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động phỏng vấn trực tuyến tại các phiên giao dịch việc làm; kết hợp đồng bộ cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Kết quả, tính riêng trong thời điểm thực hiện giãn cách đã có khoảng 50.000 lao động được tham gia hoạt động phỏng vấn trực tuyến, trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và có trên 10.000 lao động đã được trúng tuyển việc làm.
Song song với kết nối thông tin thị trường, hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được trung tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp thì Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp đặc biệt để hướng tới hỗ trợ tốt nhất cho người lao động đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Toàn bộ hoạt động trực tiếp chúng tôi chuyển sang gián tiếp, để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa hỗ trợ kịp thời nhất cho người lao động.
Để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, theo ông, những nhóm giải pháp nào cần ưu tiên thực hiện?
Dưới góc độ trung tâm dịch vụ việc làm, chúng tôi nhận thấy cần tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động để có thể chủ động bắt kịp, sẵn sàng tham gia thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, Cách mạng công nghiệp 4.0.
Với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chúng tôi sẽ thực hiện công tác phân tích, dự báo, định hướng thị trường lao động, đánh giá thị trường lao động để có thể xây dựng được kịch bản phù hợp, ứng phó với từng giai đoạn của thị trưởng, để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có khỏe thì kinh tế - xã hội mới phát triển được.
Còn về mặt nghiệp vụ, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động để hỗ trợ, kết nối nhanh nhất cho doanh nghiệp cũng như người lao động trong quá trình phục hồi; hỗ trợ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trên toàn địa bàn thành phố. Hiện nay, huyện Đông Anh cũng đã có đề xuất Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiến hành các hoạt động giao dịch việc làm.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm sao có thể tổ chức những hoạt động giao dịch việc làm tại một số khu vực phù hợp, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!