VinFast sắp sáp nhập với công ty Mỹ
Ngày 18/6, nguồn tin của Vuasanca xác nhận thông tin thương vụ VinFast sáp nhập với công ty Mỹ có thể thực hiện trong năm 2023.
Trước đó, Reuters đưa tin, VinFast gửi hồ sơ công bố với cơ quan quản lý chứng khoán tại Mỹ, tuyên bố hoàn tất sáp nhập với Black Spade. Hiện Black Spade đang xin nhà đầu tư gia hạn thời gian hoạt động từ 20/7/2023 sang 20/7/2024.
VinFast có kế hoạch sáp nhập với công ty của Mỹ trong năm 2023 |
VinFast có giá trị doanh nghiệp khoảng 23 tỷ USD. Định giá của VinFast dựa trên quyết định của Black Spade. Theo Black Spade, VinFast có thể so sánh với nhà sản xuất xe điện Lucid do sự tương đồng về quy mô doanh thu và thị trường mục tiêu toàn cầu chung.
Black Spade Acquisition là công ty SPAC (thành lập với mục đích đặc biệt). Các SPAC huy động tiền qua IPO và sử dụng chúng để mua cổ phần công ty mục tiêu khác. Niêm yết trên sàn chứng khoán thông qua sáp nhập với SPAC đang là xu thế gần đây bởi giúp các doanh nghiệp bỏ qua quy trình truyền thống của Wall Street.
VinFast hoạt động từ năm 2019, có nhà máy ở Việt Nam và đang lên kế hoạch xây nhà máy thứ hai ở Bắc Carolina, Mỹ. Công ty đưa 3.000 xe điện đến Bắc Mỹ và dự kiến cung cấp phạm vi hoạt động xa hơn của SUV VF 8 cho khách hàng trong tháng 6.
Vietnam Airlines hoãn họp đại hội cổ đông
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán VNA) vừa thông báo sẽ dời lịch họp đại hội đồng cổ đông. Theo kế hoạch ban đầu, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 20/6. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết có thêm thời gian chuẩn bị và dự kiến đại hội trước 30/8.
Vietnam Airlines hoãn họp đại hội cổ đông 2023 |
Hiện Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, một trong yếu tố quan trọng quyết định khả năng niêm yết của cổ phiếu HVN. Trường hợp sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trước đó, HOSE đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN. Theo báo cáo tự lập, đến hết năm ngoái, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Vốn chủ của Vietnam Airlines âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Hé lộ danh sách ứng viên Hội đồng quản trị Bamboo Airways
Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố danh sách ứng viên được đề cử vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ tới. Đáng chú ý, danh sách đề cử ngoài những cái tên quen thuộc đã xuất hiện những cái tên mới. Những gương mặt mới được đề cử gồm các ông: Phan Đình Tuệ, Hideki Oshima, Trần Hoà Bình.
Bamboo Airways vừa công bố danh sách ứng viên được đề cử vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ tới với nhiều gương mặt mới |
Đáng chú ý, ông Phan Đình Tuệ (SN 1966) hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị tại Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026. Ông Tuệ vừa mới thôi chức Phó Tổng Giám đốc Sacombank. Ông Tuệ tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh và có kinh nghiệm 39 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Diễn biến mới tại Tân Tạo
Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Công ty Tân Tạo, mã ITA) - doanh nghiệp do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - sẽ bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6.
Nguyên nhân được đưa ra là do Công ty Tân Tạo lỗ ròng liên tiếp 2 năm 2021 và 2022, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định. Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán 2021, Công ty Tân Tạo vẫn thể hiện lãi ròng gần 262 tỷ đồng. Nhưng trong báo cáo kiểm toán 2022, ITA đã điều chỉnh kết quả kinh doanh 2021 với khoản lỗ ròng gần 408 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Tân Tạo có thông báo cho biết bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas) không còn là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Người thay bà Yến là ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc ITA.
Bà Yến là người sáng lập và hiện vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Tân Tạo. Theo giới thiệu, bà Yến thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến, tiền thân của tập đoàn Tân Tạo năm 1993. Dù là Chủ tịch Hội đồng quản trị ITA nhưng bà Yến có nhiều năm liên tiếp vắng mặt và chỉ xuất hiện qua hình thức trực tuyến tại phiên họp cổ đông của công ty gần đây.
Xuất nhập khẩu An Giang tiếp tục chậm trả lãi trái phiếu
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM) thông báo tiếp tục kéo dài thời gian trả lãi trái phiếu. Theo đó, ngày 14/6 là ngày thanh toán lãi kỳ 5 của mã trái phiếu AGMH2223001 (kỳ tính lãi từ 14/3/2023 đến ngày 14/6/2023). Tuy nhiên, Angimex cho biết chưa thanh toán được, lý do tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, Angimex hiện chưa thu xếp được nguồn thanh toán lãi đến hạn kỳ 5 của trái phiếu. Angimex cho biết sẽ tổ chức hội nghị chủ sở hữu trái phiếu mã AGMH2223001 vào ngày 23/6/2023 để trao đổi và thống nhất với trái chủ.
Trước đó, Angimex đã công bố thông tin chậm thanh toán lãi kỳ 3 của gói trái phiếu mã AGMH2223001. Trong đó, ngày 14/12/2022 là ngày thanh toán lãi trái phiếu kỳ 3, thời gian tính lãi từ ngày 14/9/2022 đến ngày 14/12/2022. Đồng thời, Angimex cho biết Công ty chưa thu xếp được nguồn thanh toán lãi đến hạn kỳ 4 gói trái phiếu mã AGMH2223001 (kỳ trả lãi từ 14/12/2022 đến 14/3/2023).
Khó khăn tài chính khiến nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu trong thời gian vừa qua. Có thể kể đến các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam, Công ty cổ phần Đường Man...