Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê: Cần mạnh tay đầu tư cho công nghệ!
- Theo Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa), từ tháng 7/2010 đến nay, giá cà phê xuất khẩu tăng vượt mức 2.000 USD/tấn, có lúc đạt đến 2.600 USD/tấn. Đây là mức giá cao trong vòng mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong tháng 2 và tháng 3/2011, các quỹ đầu tư thế giới đã tung vốn để một số doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp thành lập nhiều cơ sở thu mua cà phê ngay tại các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông . Đến nay, họ đã mua khoảng 60% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Bối cảnh này đưa các doanh nghiệp cà phê Việt Nam lâm vào thế yếu.
Ngay tại thời điểm đó, Vicofa và nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã có văn bản thông báo rằng các doanh nghiệp nước ngoài làm trái luật và có thể gây nhiều hệ lụy. Các doanh nghiệp trong nước sẽ bị “bức tử” vì doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế về vốn hơn, trong khi doanh nghiệp nội khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất quá cao (18-20%/năm). Nhiều ý kiến còn lo ngại rằng, một khi đã thao túng được thị trường thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thỏa sức ép giá nông dân và gây khó khăn cho việc điều tiết thị trường nội địa.
Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích tình hình kinh doanh xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy việc “đổ hết tội” cho các doanh nghiệp nước ngoài có phần chưa thỏa đáng. Khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước chủ yếu xuất phát từ thực trạng yếu thế về tài chính và thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng cà phê. Do yếu về tài chính nên trong thời điểm đáo hạn ngân hàng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải chấp nhận bán hàng để có cơ sở vay tiền. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu chọn phương thức bán cà phê giao sau hoặc bán trừ lùi. Khoản trừ lùi trong hợp đồng mua bán với các nhà nhập khẩu vô tình khiến chính các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cạnh tranh và hạ giá bán của nhau. Chẳng hạn, nếu công ty A trừ lùi 50 USD/tấn, lập tức công ty B trừ lùi 60 USD/tấn. Cứ thế mức trừ lùi tăng dần gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp, nông dân mà cả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, do thói quen làm ăn độc lập nên các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ít “thỏa thuận với nhau” để tạo được mặt bằng giá ổn định mà thường vẫn kinh doanh chủ yếu theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Đồng thời, việc liên kết với người trồng cà phê vẫn chưa được chặt chẽ. Hiện nay trong số gần 150 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu còn đa phần vẫn chỉ làm thương mại thuần túy. Do vậy, các nhà nhập khẩu nước ngoài nắm được sản lượng cà phê của các doanh nghiệp trong nước và lại biết doanh nghiệp trong nước cần bán được hàng để có vốn xoay vòng nên việc ép giá trở thành câu chuyện hàng năm, không tránh khỏi.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Vicofa cho rằng, từ trước đến nay chủ yếu Việt Nam xuất khẩu cà phê hạt nên những trường hợp các doanh nghiệp trong ngành cà phê mạnh tay đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến được khuyến khích rất nhiều. Cụ thể, vào tháng 9/2010, Công ty Trung Nguyên tiến hành mua lại một nhà máy chế biến cà phê của Công ty Vinamilk với công suất 1.500 tấn cà phê hòa tan và 2.600 tấn cà phê rang xay mỗi năm, thêm vào số lượng 4 nhà máy chế biến Trung Nguyên hiện có. Gần đây nhất, vào giữa tháng 12/2010, Công ty Vinacafe Biên Hòa, đã đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến có công suất chế biến 3.200 tấn cà phê hòa tan nguyên chất/năm. Lĩnh vực chế biến cà phê cũng ghi nhận sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy chế biến, tập trung gần các vùng nguyên liệu như Công ty TNHH Olam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê công suất 4.000 tấn tại Long An. ..
Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang ở vị trí bất lợi khi canh trạnh với các doanh nghiệp nước ngoài vì họ vay được nguồn vốn với lãi suất thấp từ nước ngoài, nhưng theo ông Nhạn, thay vì kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để “chữa cháy” nhất thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước cần phải bắt tay nhau để tổ chức liên kết thành một tập đoàn lớn, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo phân tích của các chuyên gia ngành cà phê, nếu tính toàn bộ chuỗi giá trị của ngành này thì lợi nhuận thu được qua phát triển công nghiệp chế biến cà phê lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu cà phê nhân. Thực tế cho thấy, trong những năm giá cà phê thế giới lên cao thì giá mua cà phê nhân cũng chỉ bằng khoảng 35-36% giá cà phê hòa tan trên thị trường thế giới. Bình quân 10 năm trở lại đây, giá cà phê nhân thô xuất khẩu chỉ đạt khoảng 29-30% giá cà phê hoà tan. Do vậy, việc khuyến khích gia tăng mạnh vốn đầu tư, kể cả vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp chế biến cà phê chính hướng đi chủ đạo của Việt Nam, bởi lợi ích mà nó đem lại rất lớn. Làm được việc này không những giải quyết được bài toán giá xuất khẩu cà phê quá “bèo bọt” hiện nay mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới, khắc phục được tình trạng nhập siêu vẫn còn khá nghiêm trọng ở Việt Nam thời điểm này.
Mai Ca