Doanh nhân Ai Cập ăn Tết Việt Nam
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Online
- Sau hai tháng làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Mohamed đã về Ai Cập, rồi đến 15/1/2011, anh trở lại TP Hồ Chí Minh. “lần này tôi sẽ ở Việt Nam khoảng 6 tháng” Mohamed nói.
- Vậy anh sẽ ở Việt Nam vào dịp Tết hay sao, đó là một kỳ nghỉ rất dài- Tôi hỏi anh. - Đúng là tôi muốn sống trong thời gian Tết Tân Mão tại Việt Nam, tôi muốn tìm hiểu về văn hóa người Việt. Vì tôi tin tưởng vào tương lai kinh tế Việt Nam, muốn làm ăn lâu dài, vậy thì cũng nên biết văn hóa Việt Nam, và dịp Tết là một cơ hội tốt để làm việc đó- Mohamed quả quyết.
Trong thời gian ở Việt Nam, Mohamed đã tập đi xe máy. Đồ ăn thì chưa hợp khẩu vị lắm, nhưng Mohamed cho rằng như vậy cũng tốt vì anh đang ăn kiêng để giảm béo. Anh quả là một người có nghị lực khi đã giảm được tới 40kg, từ 120kg xuống còn 80kg. Mohamed “khoe khéo” là với vóc dáng thanh mảnh, cao 1,90m, đã có một số cô gái Việt Nam xin số điện thoại của anh, nhưng anh không cho vì đã có vợ rồi.
Trong thời gian chỉ có 1 tháng ở Cairo, chúng tôi gặp nhau thường xuyên, tuần nào anh cũng đến thương vụ để trao đổi về những cơ hội của thị trường Việt Nam. Cũng có lần chúng tôi đến thăm vợ chồng anh và cháu gái 4 tuổi trong một ngôi biệt thự rộng 2000m2 tại Maady, một quận sầm uất của Cairo.
Vì anh quan tâm nhiều đến những mặt hàng mới, triển vọng, tôi khuyên anh, các mặt hàng nông sản vào Ai Cập gần như đã bão hòa. Hơn nữa các mặt hàng này, đa số là hàng nông sản thô thì đã có quy cách và giá quốc tế, ai cũng làm được và thực tế mọi người đều đã tập trung vào rồi. Vậy thì anh nên chuyển hướng sang các mặt hàng công nghiệp. Đối với các mặt hàng công nghiệp thì rất da dạng, mênh mông, nhưng tất nhiên để tiếp thị thì khó hơn, cầu kỳ hơn.
Theo hướng đó, anh làm với Tập đoàn Thái Tuấn và đã thành công với những lô hàng vải Thái Tuấn. Một trong những lý do Mohamed về Việt Nam là để đón Thái Tuấn Kiều, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn sang thăm Ai Cập. Thái Tuấn đã xuất khẩu sang Trung Đông với kim ngạch rất lớn, nhưng thật kỳ lạ, hầu như chưa vào được Ai Cập. Hy vọng với Mohamed, Thái Tuấn sẽ thâm nhập được vào thị trường đông dân này.
Chúng tôi cũng trao đổi về khả năng bán khí hóa lỏng (LNG) của Ai Cập vào Việt Nam. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn khí hóa lỏng (trên nửa tỉ USD), nhưng chưa nhập của Ai Cập mặc dù Ai Cập là nước xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 5 thế giới, với giá cả khá cạnh tranh.
Thực ra, lĩnh vực chính của Mohamed là vận tải biển, anh có cổ phần trong một công ty vận tải lớn của Ai Cập. Vì thế, anh mong muốn công ty của anh sẽ trở thành đại lý cho một hãng tàu biển của Việt Nam.
Mohamed muốn tham gia trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam. Bố vợ anh nguyên là Bộ trưởng Dầu lửa của Ả Rập Xê út, anh có mối quan hệ gần gũi với các nhà tài chính của đất nước nhiều tàu nguyên dầu lửa này. Tuy vậy, Mohamed cho rằng đây là lĩnh vực lớn nên anh muốn có thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu.
Quế gốc của Mohamed là thành phố cảng Port Saed nên anh là đồng hương với bà Abounaga, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế, đồng Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp Ai Cập – Việt Nam. Trong các gia đình giàu có của Ai Cập, con cái được ra nước ngoài du học từ rất sớm. Mohamed du học tại Úc trong 17 năm, lấy được bằng Tiến sĩ về kinh tế. Ngoài công việc kinh doanh, anh còn có nghề tay trái là tham gia giảng dậy tại Đại học Alexandria.
Nếu chúng ta có những doanh nhân giỏi như Mohamed thì không khó khăn gì trong việc mở thật nhiều văn phòng đại diện ở nước ngoài nhằm thắt chặt mối quan hệ kinh tế, thương mại của nước ta với thế giới.
Đặng Ngọc Quang