CôngThương - Xin ông cho biết thông điệp của VCCI gửi tới cộng đồng doanh nghiệp năm nay có gì khác so với mọi năm?
Chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, đóng cửa, giải thể tăng lên. Nhiều doanh nhân mất niềm tin và phương hướng. Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu từng một thời rạng danh nay đang âm thầm với nỗ lực trụ vững. Cần phải làm gì? Chấp nhận thất bại hay quyết định thay đổi? Đây đang là câu hỏi lớn đối với nhiều doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Tuy nhiên, không phải là tất cả. Không ít doanh nhân vẫn kiên định với chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ đeo đuổi kế hoạch kinh doanh cẩn trọng hướng theo kinh tế trí thức. Họ đầu tư vào công nghệ, các ngành có giá trị gia tăng cao và tạo ra sự khác biệt. Bộ phận doanh nhân này chính là điểm sáng của nền kinh tế hiện nay.
Bởi vậy, thông điệp mà VCCI gửi tới cộng động doanh nhân, doanh nghiệp trong ngày 13/10 năm nay là hãy “Giữ vững niềm tin để vượt qua thử thách”.
Năm nay, những vấn đề mấu chốt nào sẽ được đề cập tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thưa ông ?
Khó khăn lớn nhất là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao (chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu và giá vốn cao), khó khăn về thị trường tiêu thụ bị thu hẹp (do sức mua giảm mạnh), lượng hàng tồn kho lớn tập trung chủ yếu ở một số ngành như: Bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến…
Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn điều hành chính sách của Chính phủ tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào, cũng như hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường đầu ra song song với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Trước đó, VCCI đã có báo cáo gửi Chính phủ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và đã đề xuất 6 kiến nghị để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn:
Thứ nhất, về chính sách tài khóa và thị trường vốn, tăng tiến độ phân bổ và giải ngân cho các dự án đầu tư công, giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%.
Thứ hai, về chính sách tiền tệ và tín dụng, tiếp tục lộ trình giảm lãi suất một cách tích cực. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, theo hướng rà soát, phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn đối với các doanh nghiệp. Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Sớm thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/ 2009- NĐ-CP. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn, hướng dẫn cho đối tượng này xây dựng kế hoạch kinh doanh và dự án vay vốn từ các ngân hàng.
Thứ ba, về chính sách phát triển thị trường có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường trong nước. Cần tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển thị trường nội bộ qua sự liên kết của các hiệp hội doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết ngành, vùng. Triển khai các biện pháp đưa hàng Việt về nông thôn.
Thứ tư, về cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo các gói đề xuất của Đề án 30 của Chính phủ, giảm thời gian, chi phí và rủi ro hành chính cho doanh nghiệp.
Thứ năm,về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đề nghị Chính phủ ban hành sớm đề án tái cấu trúc nền kinh tế đồng thời với việc xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia để định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp
Thứ sáu, về công tác thông tin, đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, tăng cường cơ chế thông tin đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp, phản ánh kịp thời thực trạng và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ.
Doanh nhân Việt Nam cần làm gì để phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thưa ông?
Tôi cho rằng, trong tháng cuối năm 2012 và năm 2013, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì thật sự chưa có nhân tố đột phá nào để nền kinh tế khôi phục lại nhanh đà tăng trưởng, trong khi phải đối mặt với khó khăn khác vì lộ trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt là đang đến gần thời điểm 2015, hoàn tất quá trình hội nhập nội khối ASEAN, khi mức thuế hầu hết các mặt hàng sẽ chỉ còn ở mức 0%-5%. Do vậy, các doanh nghiệp phải sớm nâng cao năng lực cạnh tranh để thích nghi với môi trường kinh doanh mới.
Do vậy, trước mắt, các doanh nghiệp cần củng cố các yếu tố nền tảng, xác định lại chiến lược, nâng tầm quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rà soát lại các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí tối đa, nhằm đối phó với khó khăn, trụ vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn bất ổn. Đồng thời triển khai ngay việc tự tái cơ cấu.
Trân trọng cảm ơn ông !