Doanh thu và lợi nhuận ngành phân bón đã trở về “trạng thái bình thường”
Giá nông sản tăng cao, giá phân bón trở về bình ổn
Cùng với diễn biến bình ổn về giá phân bón, thông tin về việc giá nông sản, nhất là giá gạo trong nước liên tiếp lập kỷ lục về giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới, đó là một thông tin rất đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.
Nói là đáng mừng vì trước đó, trong giai đoạn 2021 và đầu năm 2022, giá phân bón bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đại dịch Covid 19 nên vọt tăng cao trên toàn cầu. Trong khi giá nông sản thời điểm đó lại tăng không tương ứng. Điều này đã khiến người nông dân cả nước gặp khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, không đủ chi phí cho sản xuất.
Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, giá phân bón đã trở về trạng thái bình thường như trước các năm đại dịch Covid. Theo đó, hiện giá phân bón như ở mức bình quân của các năm trước. Cụ thể, theo cập nhật mới nhất, giá phân lân Supe Lâm Thao và phân lân Văn Điển lần lượt ghi nhận mức giá 250.000 - 280.000 đồng/bao và 280.000 - 320.000 đồng/bao. Giá phân urê Ninh Bình vẫn duy trì trong khoảng 560.000 - 610.000 đồng/bao và urê Phú Mỹ (Đạm Phú Mỹ) có giá là 570.000 - 620.000 đồng/bao (bao 50kg); giá urê Cà Mau có giá là 570.000 - 610.000 đồng/bao; Giá bán của phân kali bột Phú Mỹ và Hà Anh tiếp tục niêm yết cùng mức là 660.000 - 690.000 đồng/bao.
Đối với phân NPK 16 - 16 - 8, loại Lào Cai đang được bán ra với mức giá 770.000 - 790.000 đồng/bao, NPK Phú Mỹ là 780.000 - 810.000 đồng/bao và NPK Bình Điền Đầu Trâu có giá là 790.000 - 820.000 đồng/bao...
Như vậy, mức giá này đã trở về bình thường như trước đây. Cùng trong bối cảnh đó, giá nông sản, đặc biệt là giá gạo đã tăng cao, khiến cán cân về giá phân bón - nông sản đã bình ổn trở lại. Cụ thể, theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 27/10 đạt 643 USD/tấn, giữ ổn định ở mức cao trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan còn 564 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn so với phiên giao dịch trước.
Trong khi đó, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng.
Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay, giá lúa thu đông tiếp đà tăng, nông dân chào mức giá cao hơn so với cuối tuần trước 100 – 200 đồng/kg.
Thị trường lúa gạo thế giới sôi động đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có một vụ lúa thu đông thắng lợi về giá.
Tại Vĩnh Long, với năng suất lúa từ 5,8 - 6,2 tấn/ha, giá lúa từ 8.000 đồng/kg trở lên, nông dân có lợi nhuận cao hơn so với vụ thu đông trước.
Vụ lúa thu đông này, nông dân Vĩnh Long xuống giống hơn 35.800 ha, tăng khoảng 40% so với vụ thu đông năm trước với các giống lúa phổ biến được nông dân chọn sản xuất như OM5451, OM18.
Trong khi đó, tại TP.Cần Thơ, với giá bán lúa dao động từ 7.800 - 8.500 đồng/kg lúa tươi tùy loại, vụ thu đông năm nay, nông dân Cần Thơ lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/công (1.300 m2). Nhờ năng suất lúa tương đương vụ thu đông năm 2022 nhưng giá vật tư nông nghiệp vụ năm nay giảm, giá lúa tăng cao nên bình quân nông dân thu lãi từ 18 - 20 triệu đồng/ha, đây là vụ lúa thu đông có mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Doanh nghiệp phân bón nỗ lực tăng sản lượng, bình ổn thị trường
Giá phân bón đã trở về bình thường như thời điểm trước đại dịch, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của các dianh nghiệp sản xuất phân bón giảm mạnh so với 2 năm trước.
Cụ thể, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, Đạm Phú Mỹ thu về 565 tỉ đồng lãi trước thuế, giảm khoảng 4.870 tỉ đồng so với cùng kì (5.435 tỉ đồng). Con số này mới chỉ mới chỉ hoàn thành được 21% kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra hồi đầu năm nay (2.670 tỉ đồng).
Trong quý III/2023, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ đạt 3.216 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhưng giá vốn lại tăng hơn 17% so với quý II năm ngoái, khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 72,6% so với cùng kỳ, còn 408 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp qua đó sụt từ mức 38% xuống 13%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh 71% xuống 27 tỷ đồng chủ yếu do hụt thu từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức lợi nhuận được chia. Trừ đi chi phí, Đạm Phú Mỹ báo lãi sau thuế quý III chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm tới gần 93% so với mức lãi nghìn tỷ của cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Đạm Phú Mỹ trong vòng 4 năm qua, kể từ quý III/2019.
Lý giải về nguyên nhân kết quả kinh doanh quý III suy giảm, Đạm Phú Mỹ cho biết do giá bán mặt hàng phân bón và hóa chất quý III giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt giá bán urê giảm 35% và giá bán NH3 giảm 59%. Đồng thời, giá khí tăng cao so với quý III năm ngoái cũng khiến lợi nhuận quý này giảm sâu tương ứng.
Trong bối cảnh khó khăn, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã kiên trì thực hiện mục tiêu giữ vững thị phần tại thị trường mục tiêu và xâm nhập thị trường mới. |
Cùng chung cảnh với Đạm Phú Mỹ là Đạm Cà Mau. Cụ thể, trong quý III, giá bán giảm so với cùng kỳ là nguyên nhân khiến doanh thu của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong quý vừa qua, dù sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm của Đạm Cà Mau tăng hơn 36% so với cùng kỳ, nhưng giá bán phân bón giảm mạnh so với giá đỉnh năm 2022 nên doanh thu thuần lại giảm gần 9%, đạt 3.010 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng hơn 23% so với quý II năm ngoái, lên 2.833 tỷ đồng khiến lãi gộp của công ty chỉ còn 177 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn nghìn tỷ. Biên lãi gộp vì thế cũng giảm từ 29,1% xuống còn 5,9%.
Chi phí bán hàng của công ty cũng tăng tới 32% lên 192 tỷ đồng do đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động xuất khẩu hàng hoá. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm gần một nửa, xuống 85 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu tài chính 200 tỷ đồng (chủ yếu là lãi từ khoản tiền gửi gần 10.000 tỷ đồng tại ngân hàng) nên Đạm Cà Mau vẫn có lãi sau thuế hơn 74 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 90% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Đạm Cà Mau kể từ quý III/2019.
Lũy kế 9 tháng, Đạm Cà Mau đạt doanh thu thuần 9.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 617 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và 81% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng công ty mới hoàn thành được 44% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong bối cảnh giá phân bón đã trở về bình ổn, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nỗ lực khắc phục khó khăn bằng cách tăng sản lượng tiêu thụ, tiết giảm chi phí sản xuất. Cụ thể, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã kiên trì thực hiện mục tiêu giữ vững thị phần tại thị trường mục tiêu và xâm nhập thị trường mới. Công ty liên tục điều chỉnh các chính sách bán hàng linh hoạt, triển khai nhiều chương trình xúc tiến bán hàng như “Mùa vàng thắng lớn”, tặng ấn vật phẩm, tặng phân bón dùng thử. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ure để giảm áp lực thị trường trong nước.
Đạm Phú Mỹ cũng nỗ lực đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ. Theo báo cáo, lượng tiêu thụ Phân bón Phú Mỹ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) trong 9 tháng năm 2023 đạt trên 980 ngàn tấn, tăng hơn 100 ngàn tấn, tương đương tăng 12% so với lượng tiêu thụ 877 ngàn tấn của cùng kỳ năm 2022.
Với lượng tiêu thụ phân bón trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 980 ngàn tấn, tăng hơn 100 ngàn tấn, tương đương tăng 12% so với lượng tiêu thụ 877 ngàn tấn của cùng kỳ năm 2022.Trong đó, sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ tiêu thụ được trên 690 ngàn tấn, cao hơn 50 ngàn tấn so với cùng kỳ 2022.
Đây là kết quả kinh doanh có thể nói là khả quan trong tình hình khó khăn chung của thị trường. Thị trường phân bón thế giới ở tình trạng cung vượt cầu, việc xuất khẩu phân bón của Việt Nam trầm lắng gây áp lực cả về giá và cán cân cung cầu phân bón trong nước. Tại thị trường trong nước, 9 tháng năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn khi giá các mặt hàng phân bón liên tục giảm, trong khi nguồn cung dồi dào, đặc biệt là từ nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ từ Nga, Belarus…
Trước tình hình trên, PVFCCo đã có nhiều nỗ lực và giải pháp như tập trung cho công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ để hoàn thành vượt kế hoạch, giảm thời gian dừng máy, nhờ đó mà nguồn cung từ sản xuất của Nhà máy được đảm bảo, linh hoạt các chính sách bán hàng, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng, tăng cường ứng dụng số trong sản xuất kinh doanh.
Trong quý IV/2024, PVFCCo tiếp tục đặt mục tiêu vận hành sản xuất kinh doanh ổn định và sẽ đưa ra thị trường trên 300 ngàn tấn phân bón các loại.
Tiếp tục kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT
Thực tế, ngành phân bón đã có gần 2 năm đạt doanh thu và lợi nhuận tốt, tuy nhiên, với thực tế khó khăn hiện tại, các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón đang phải tính toán lại.
Trong bối cảnh này, một trong những yếu tố để vừa làm giảm bớt gánh nặng của bà con nông dân, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp phân bón “dễ thở” hơn, đó chính là sửa đổi chính sách về thuế VAT cho phân bón.
Từ năm 2015 trở lại đây, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ, và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5% - 8%. Điều này dẫn đến giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng bị tăng theo.
TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra con số ước tính: với quy mô ngành phân bón trên 100.000 tỷ đồng hàng năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5%. Theo một tính toán thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh, thị phần phân bón trong nước sẽ giảm.
TS. Phùng Hà cũng cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Việc sửa Luật thuế 71 đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại bốn mục đích rất tích cực cho ngành phân bón. Thứ nhất, Nhà nước không bị thất thu thuế với mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam như hiện nay. Thứ hai, tạo sân chơi công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Thứ ba, việc áp thuế GTGT đồng thời tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Đặc biệt là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
"Chúng tôi kiến nghị sửa Luật thuế VAT phân bón, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất, nên đưa về mức thuế 4 - 5% để đảm bảo cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước” - ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết. |
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Sau 8 năm thực hiện Luật thuế số 71 này, nhiều nghiệp phân bón trong nước đã “ngấm đòn” Tính riêng Supe Lâm Thao, mỗi năm, chi phí không được khấu trừ đầu vào của Công ty khoảng 100 tỷ đồng.
Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6 - 7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Ông Hồng cho biết. “Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi có kiến nghị là cần thúc đẩy sửa Luật thuế này, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất, nên đưa về mức 4 - 5% để đảm bảo cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước”, ông Hồng đề xuất.
Với sự điều chỉnh đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ duy trì sản xuất và chính bà con nông dân cũng được hưởng lợi từ việc giá phân bón sẽ giảm xuống.