Các chàng trai được chủ tế làm "phép" nhảy lửa |
Nghệ nhân Triệu Chòi Quyên dân tộc Dao xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang cho biết: Sau khi được già làng, trưởng họ xem xét kỹ lưỡng, đúng giờ đẹp, giờ tốt, phần chính lễ hội nhảy lửa sẽ bắt đầu. Những đồ lễ mang tính dân tộc, theo tập quán người Dao đỏ được bày ra một chiếc bàn dài, nơi được coi là chỗ trang nghiêm nhất, trước chiếc sân rộng. Những đồ lễ không thể thiếu trong lễ nhảy lửa gồm: 1 chiếc trống, 1 con gà, 1 bát gạo, 6 chén rượu và giấy nến làm từ rơm hoặc nứa... Giữa sân, một đống củi to đã được thanh niên mang đến, xếp gọn gàng, như đống củi thường đốt trong những đêm lửa trại. Ông chủ tế bắt đầu ngồi xuống ghế, bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu may, cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận, gió hoà, muôn nhà khoẻ mạnh.
Nhảy lửa thể hiện lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao |
Các đôi chân trần bắt đầu nhảy múa trên than lửa |
Bắt đầu vào buổi lễ, cũng là lúc đống củi được đốt lên. Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, chủ tế xin quẻ âm dương. Được thần lửa đồng ý, những chàng trai muốn được nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ, được phép ngồi trước mặt chủ tế để nhận sức mạnh từ thầy. Tiếng gõ đều đều từ thanh tre trong tay chủ tế mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàn rai nhảy lửa càng mạnh dần. Một nguồn năng lượng nào đó đưa bước chân của chàng trai lao vào giữa đám than lửa đang cháy rừng rực. Những chàng trai người Dao như đang trong cơn mê say, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống than lửa mà không hề có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi.
Lễ hội nhảy lửa không chỉ là minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc rất hoang sơ, huyền bí cần được nghiên cứu và bảo tồn.