Thay đổi nhận thức về sản phẩm mỹ nghệ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ: Hỗ trợ kết nối hàng thủ công mỹ nghệ - đồ trang sức Việt |
Chúng tôi đến thăm nhà bà Rơ Mah Vo (60 tuổi, người dân tộc thiểu số Jrai) ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Bà Vo là người phụ nữ đầu tiên ở làng có ý tưởng làm các sản phẩm mỹ nghệ từ phế liệu bỏ đi.
Bà Rơ Mah Vo - Người phụ nữ Jrai với sản phẩm gùi lưng bằng các phế liệu bỏ đi |
Bà Rơ Mah Vo bị khuyết tật vận động từ nhỏ. Đôi chân queo quắp không thể đi lại khiến mọi việc đều dồn vào đôi tay. Bù lại, bà có đôi bàn tay khéo léo của một nghệ nhân. Những sản phẩm do bà làm ra đều được mọi người yêu thích, từ tấm thổ cẩm, chiếc gùi đan hay những chiếc giỏ xách tái chế từ nắp lon bia.
“Vì số phận kém may mắn và một phần không muốn là gánh nặng cho gia đình, tôi luôn cố gắng làm mọi thứ từ dệt thổ cẩm, may quần áo rồi đến đan lát gùi, giỏ đựng, túi xách… để kiếm được tiền nuôi bản thân và bố mẹ già đã ngoài tuổi 90", bà Vo bộc bạch.
Trước đây, bà Vo đã thử sức với nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm của bà được nhiều người mua đánh giá cao. Nhưng chỉ được một thời gian, khi đồ thổ cẩm trên thị trường được bày bán tràn lan khiến sản phẩm của bà không ai mua.
Không bỏ cuộc, bà đã chuyển qua đan chiếc gùi của đồng bào Jrai từ sợi dây. Tuy nhiên sản phẩm chưa bắt mắt nên lượng người mua không đáng kể. Trong một lần nhà tổ chức tiệc, bà thấy những nắp (khoen) lon nước các loại rơi dưới đất tràn lan. Trong đầu bà lóe lên ý tưởng là sẽ làm những giỏ xách, gùi... từ chiếc nắp lon này.
"Khi thấy những nắp lon nước nhiều như vậy, tôi đã suy nghĩ tại sao mình không tái chế nó thành sản phẩm hữu ích. Lúc bắt đầu làm, tôi đã nghiên cứu gần một tuần để thiết kế thành giỏ xách, túi đeo có thẩm mỹ", bà Vo chia sẻ.
Nói là làm, bà Vo đã bắt tay làm chiếc túi đeo từ nắp lon nước. Sau 3 ngày, món đồ túi đeo tái chế đã hoàn thành. Sản phẩm được nhiều người khen rất đẹp. Từ đó, túi đeo được các hộ dân trong làng đặt mua với số lượng lớn khiến bà rất vui.
Để có được nhiều chiếc nắp lon nước, bà đã nhờ người cháu đến chỗ thu mua ve chai để xin nhặt. Có được số lượng nắp bia nhiều, bà tiếp tục thiết kế và trang trí cho chiếc gùi của đồng bào Jrai trở nên bắt mắt.
Ngoài giá trị sử dụng thường ngày, sản phẩm của bà Vo còn trở thành đồ lưu niệm. Khi chiếc gùi được hình thành, có rất nhiều người trong làng đến chiêm ngưỡng. Mọi người không khỏi bất ngờ vì nó rất đẹp, đặc biệt màu sắc lấp lánh từ các hạt cườm được bà đính kết tỉ mỉ.
Không chỉ người dân trong vùng mà nhiều người ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã đến tận nhà để xem và đặt mua sản phẩm mỹ nghệ do bà Vo làm ra. Thời gian gần đây, bà Vo không cần đi nhặt nắp lon nước nữa mà được tiểu thương ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, Gia Lai) cung cấp tận nhà, kèm theo hạt cườm trang trí.
Theo bà Vo, vật liệu chính để trang trí là những chiếc nắp lon nước. Qua bàn tay khéo léo, bà đã kết lại rất bền chặt, đính thêm hạt nhựa giả ngọc trai, hạt cườm đủ màu sắc.
"Hoàn thành được một sản phẩm thì đòi hỏi người làm có bàn tay khỏe khoắn, khéo léo để đan các vật liệu với nhau. Ngoài ra cần phải có tư duy màu sắc tốt để sắp xếp những màu đan xen, hoặc có thể trang trí theo họa tiết của thổ cẩm, bông hoa, tam giác…", bà Vo cho biết.
Sản phẩm mỹ nghệ độc đáo làm từ lắp lon nước và hạt cườm |
Trang trí một chiếc gùi như vậy, thì mất khoảng 4-5 ngày. Một tháng, bà làm được 4-5 cái, có tháng khách đặt nhiều thì làm gấp đôi, gấp ba. Với sản phẩm mỹ nghệ, bà Vo được trả công 500.000-800.000 đồng/gùi. Còn túi đeo, giỏ xách là 300.000-500.000 đồng. Từ đó, bà Vo có thu nhập ổn định, nuôi được bố mẹ già.
Chị Trần Thị Liên (39 tuổi, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai), một khách hàng mua sản phẩm tái chế của bà Vo cho biết: "Tôi rất thích các sản phẩm thủ công của người bản địa nơi đây. Tôi đã mua chiếc gùi và túi đeo để tặng người bạn ở Bình Dương, họ khen rất đẹp. Và họ còn kinh ngạc khi biết những đồ này được làm từ chính bàn tay của người phụ nữ khuyết tật, nên họ rất trân trọng. Lần sau có cơ hội, tôi sẽ tiếp tục mua và quảng bá cho bạn bè ở những nơi khác biết tới để giúp đỡ bà có thêm tiền trang trải cuộc sống".
Trong căn nhà nhỏ, bà Vo làm việc rất chăm chỉ, tỉ mỉ đính hạt cườm từng hạt lên những nắp lon nước. Người phụ nữ vượt lên số phận đã trở thành tấm gương sáng trong việc sử dụng đồ phế liệu tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Một số hình ảnh về các công đoạn để làm những sản phẩm mỹ nghệ từ phế liệu bỏ đi:
Vật liệu chính của những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo là từ nắp khoen lon nước... |
Cùng hạt cườm, hạt nhựa các loại |
Các vật liệu được gắn kết với nhau bởi đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ khuyết tật, kém may mắn như bà Rơ Mah Vo |
Mỗi sản phẩm gùi, túi xách... bằng nắp khoen lon nước cần từ 4 - 5 ngày hoàn thành và được bán với giá từ 400.000 - 800.000 đồng/cái tùy loại, kích cỡ |
Hàng nghìn nắp khoen lon nước được tái chế, sắp đặt với nhau để tạo thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ bắt mắt |
Các hoa văn tinh tế được tạo lên bởi các nắp khoen lon nước, chỉ màu, sơn màu và nghệ thuật sắp đặt khéo léo của những phụ nữ Jrai |
Những chiếc gùi thành phẩm rất được người dân và du khách đón nhận |
Với những sản phẩm làm từ đồ phế liệu, những người phụ nữ Jrai đã vượt lên chính mình, có nguồn thu nhập để thoát nghèo, ổn định cuộc sống |